MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân làm việc trong KCN ở Bắc Ninh. Ảnh: Trần Tuấn

Nguyên nhân GRDP quý I.2023 của Bắc Ninh giảm sâu nhất cả nước

Trần Tuấn LDO | 03/04/2023 17:41

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I năm 2023, GRDP của tỉnh Bắc Ninh sụt giảm 11,85% so với cùng kỳ năm trước.

GRDP giảm sâu nhất cả nước

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) quý 1.2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 58 địa phương và giảm ở 5 địa phương trên cả nước.

Trong đó, nhiều địa phương ghi nhận tốc độ tăng GRDP cao hơn tốc độ tăng GDP. Chẳng hạn, Hậu Giang tăng 12,67%; Bình Thuận tăng 9,86%; Hải Phòng tăng 9,65%; Khánh Hòa tăng 9,07%; Cà Mau tăng 9,05%…

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, tăng trưởng GRDP của một số địa phương giảm. Trong đó, giảm sâu nhất là Bắc Ninh (-11,85%); tiếp đó là Quảng Nam (-10.88%), Bà Rịa - Vũng Tàu (-4,75%)... 

Công nhân làm việc trong KCN tại Bắc Ninh. Ảnh: Trần Tuấn

Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh, những khó khăn của kinh tế thế giới đã tác động đến kinh tế của tỉnh Bắc Ninh trong quý I/2023 và ảnh hưởng tới khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2023.

Một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ lực của tỉnh bị tăng trưởng âm, thậm chí âm nhiều như ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.

Tình trạng doanh nghiệp giải thể, người lao động buộc phải nghỉ việc hoặc giảm giờ làm đang phổ biến. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng quốc tế đang suy yếu, chính sách tiền tệ thắt chặt ở Mỹ và các nước châu Âu nhằm kiểm soát lạm phát khiến tiêu dùng bị sụt giảm.

Điều này cũng đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp của tỉnh bị cắt giảm đơn hàng hoặc đơn hàng lẻ tẻ nên buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất.

Tình trạng đứt gãy nguồn cung nguyên vật liệu xảy ra do trước đó Trung Quốc đóng cửa các nhà máy, đóng cửa nền kinh tế để thực thi chính sách Zero COVID đã tác động trực tiếp vào các doanh nghiệp trên địa bàn. Bởi nhiều ngành sản xuất của tỉnh Bắc Ninh phụ thuộc vào Trung Quốc như sản xuất điện tử, sản xuất kim loại...

Mặt khác, cuộc xung đột Nga - Ucraina kéo dài đã phần nào chia cắt cung - cầu thế giới, dẫn đến chi phí đầu vào tăng cao.

Vẫn có những điểm sáng

Tuy kinh tế tăng trưởng âm nhưng theo Cục Thống kê Bắc Ninh, quý I.2023, kinh tế Bắc Ninh vẫn có nhiều điểm sáng, đặc biệt là ở các ngành bán lẻ hàng hóa, dịch vụ du lịch lữ hành và lưu trú ăn uống...

Theo đó, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ quý I/2023 ước tính tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.

Một góc thành phố Bắc Ninh. Ảnh: Trần Tuấn

Hoạt động xuất, nhập khẩu giảm, tuy nhiên cán cân thương mại vẫn duy trì thặng dư. Cán cân thương mại hàng hóa quý I/2023 xuất siêu 0,3 tỷ USD.

Vốn đầu tư thực hiện quý I.2023 tăng cao 15,8% so với cùng kỳ, trong đó vốn FDI tăng nhiều 61,3%. Tuy nhiên, vốn Ngân sách Nhà nước và vốn ngoài Nhà nước giảm lần lượt là (-5,1% và -40,2%).

Giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tiếp tục được kiểm soát không có biến động lớn về giá cả thị trường. Công tác an sinh xã hội được triển khai tích cực, đời sống người dân được đảm bảo.

Khó khăn nào đang đợi kinh tế của tỉnh Bắc Ninh?

Theo đánh giá của Cục Thống kê Bắc Ninh, nhiều khó khăn vẫn đang đợi kinh tế Bắc Ninh ở phía trước. 

Lãi suất cao khiến tiêu dùng cuối cùng suy giảm; vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước triển khai chậm so với kế hoạch do những vướng mắc ở nhiều khâu triển khai thực hiện; năng lực nội tại của các doanh nghiệp chưa phục hồi hoàn toàn từ đại dịch khiến cho áp lực tăng trưởng 3 quý còn lại trong năm 2023 là rất lớn.

Về định hướng trong thời gian tới, xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn