MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HOSE). Đồ hoạ: HN

Nhà đầu tư bức xúc truy trách nhiệm Tổng giám đốc HOSE về sự cố nghẽn lệnh

Liên Hoa LDO | 10/06/2021 14:25

Bảng giá nhảy loạn xạ hoặc bị "đơ", không nhìn thấy giá chuẩn. Đặt lệnh mua/bán không khớp, sửa, huỷ lệnh không được… trên HOSE. Nhà đầu tư Việt Nam vừa trải qua thời gian đầu tư chứng khoán kiểu “bịt mắt bắt dê”.

Vi phạm chính quy định của HOSE về không cho huỷ, sửa lệnh

“Việc không cho huỷ, sửa lệnh trên HOSE là một quyết định ảnh hưởng rất nặng đến thị trường. Điều này gây tâm lý hoảng loạn khi thị trường điều chỉnh. Nhà đầu tư không dám kê lệnh mua và bán mà phải dùng lệnh MP nên độ giảm của thị trường là không thể kiểm soát. Nhà đầu tư bị treo lệnh mua/bán nếu không khớp được sẽ bị kẹt tiền, kẹt cổ phiếu”, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Minh – một nhà đầu tư kì cựu trên thị trường cho biết.

Bức xúc, thất vọng, cay đắng là tâm trạng của không ít nhà đầu tư bày tỏ trên các group diễn đàn, Facebook, Zalo… khi hệ thống HOSE lỗi nghiêm trọng nhiều tháng qua gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư cũng phẫn nộ bởi cấm sửa/hủy lệnh là trái với quy chế do HOSE ban hành tại Điều 17 trong "Quy chế giao dịch chứng khoán".

“Việc đặt lệnh mua/bán trở nên cân não. Tôi sợ vì không biết quyết định của mình là đúng hay sai khi không thể huỷ/sửa lệnh. Tâm trạng nhìn chữ “chờ gửi” không thể giao dịch rất gây ức chế”, chị Ngọc Mai, một nhà đầu tư cá nhân chia sẻ.

Sự cố nghiêm trọng trên HOSE suốt thời gian qua gây thiệt hại không nhỏ cho nhà đầu tư. Ảnh TL

“Nghẽn lệnh, bảng điện tử "đơ", không nhìn thấy giá, không cho hủy lệnh trong ngày 7.6 và 8.6, nhà đầu tư giao dịch giống như “thầy bói xem con voi VN–Index”.

Một nhà đầu tư khác gay gắt: “Có hai vấn đề mà ông Lê Hải Trà – Tổng Giám đốc HOSE cần làm rõ:

Thứ nhất, việc không cho các nhà đầu tư hủy, sửa lệnh với mục đích đảm bảo an toàn chung cho hệ thống giao dịch trên HOSE, vậy vì sao kể cả khi nhà đầu tư không được huỷ/sửa lệnh thì tình trạng nghẽn lệnh vẫn diễn ra ngay đầu phiên, khi mà khối lượng giao dịch chưa nhiều?

Thứ hai, sau khi dư luận lên tiếng thì chiều 9.6, lệnh đã đi mượt mà hơn kể cả khi một số công ty chứng khoán cho phép được hủy/sửa lệnh. Vì sao vẫn với cơ sở hạ tầng công nghệ như thế, phiên sáng 9.6 thì nghẽn mà phiên chiều số lệnh nhiều hơn thì vẫn chạy mượt mà...?”

Trách nhiệm của HOSE ở đâu?

Điều đáng nói là nhà đầu tư vẫn phải nộp phí đầy đủ cho HOSE không thiếu một đồng nhưng chất lượng dịch vụ nhận về lại quá tệ. Riêng năm 2020, HOSE ghi nhận lãi sau thuế xấp xỉ 553 tỉ đồng, tăng gần 46% so với năm trước.

Không ít “sáng kiến” của HOSE để “chữa cháy” tình trạng nghẽn lệnh vừa đưa ra đã vấp phải sự phản đối gay gắt như nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu, không cho nhà đầu tư huỷ/sửa lệnh.

Ngày 1.6.2021 xảy ra sự cố nghiệm trọng “báo động an toàn của hệ thống”. Đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử chứng khoán Việt Nam khi HOSE buộc phải ngừng giao dịch phiên 1.6, giá đóng cửa là giá khớp lệnh cuối cùng trong buổi sáng.

Tối ngày 1.6, ông Lê Hải Trà cho biết “Việc tạm ngừng giao dịch trong phiên chiều là giải pháp ngoài mong muốn, nhằm đảm bảo an toàn chung cho cả thị trường. Ngày 2.6.2021, hệ thống giao dịch của HOSE sẽ trở lại giao dịch bình thường”, thế nhưng thực tế diễn ra chẳng được như ông Trà cam kết, hệ thống ngay từ phiên sáng đã xảy ra tình trạng đơ nghẽn, đặt lệnh khoảng 15-20 phút sau mới thông, đến lúc thông thì giá không như mong muốn.

Sự cố nghẽn ngày càng nghiêm trọng, phiên ngày 7.6 và 8.6, nhà đầu tư bị ép không được sửa/hủy lệnh.

Bức xúc vì bị thiệt hại do sàn giao dịch tắc nghẽn trong thời gian dài, nhiều nhà đầu tư đồng loạt đánh giá "1 sao" cho HOSE trên Google. Lãnh đạo sàn bị “cư dân mạng” tố bao biện, trốn tránh trách nhiệm.

Tối 9.6, điểm đánh giá 1 sao trên Google bất ngờ biến mất, số điểm HOSE được khôi phục trở về mức 4,5 sao. Cũng trong tối ngày 9.6, trên Wikipedia, có thông tin về HOSE như sau: "Đây là sàn chứng khoán có chất lượng dịch vụ thuộc hàng thấp kém nhất thế giới và ban lãnh đạo yếu kém, không có tầm nhìn".

Mặc dù đã xảy ra rất nhiều sự cố nghiêm trọng, đến nay lãnh đạo sàn HOSE chưa có một lời xin lỗi chính thức.

Ông Bùi Hoàng, một nhà đầu tư chứng khoán ở Hà Nội cho rằng: “Ông Lê Hải Trà với tư cách là Tổng giám đốc HOSE, lẽ ra phải có trách nhiệm tạo một sân chơi minh bạch, sòng phẳng cho mọi thành phần tham gia thị trường chứng khoán. Nhưng theo góc nhìn cá nhân tôi, ông Trà đã không làm được, và có những quyết định gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ - đối tượng yếu thế nhất trong các thành phần tham gia thị trường”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn