MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tỉ lệ cho vay ký quỹ đang tăng mạnh. Ảnh minh họa: Lê Toàn

Nhà đầu tư chứng khoán bắt đầu thấy lo khi tỉ lệ margin tăng mạnh

Gia Miêu LDO | 31/01/2024 10:29

Dư nợ cho vay ký quỹ (margin) của các công ty chứng khoán đang tăng rất mạnh đặt ra câu hỏi liệu câu chuyện call margin sẽ đến sớm hơn và mức độ rủi ro gia tăng.

Theo thống kê của một số Công ty chứng khoán, hệ số dư nợ margin/vốn hóa sàn HOSE đang ở ngưỡng cao nhất lịch sử, khoảng 3,8%. Trong khi đó thanh khoản thị trường trong quý IV/2023 và những ngày đầu năm 2024 ở mức không cao, chỉ loanh quanh ở vùng 15.000 tỉ đồng/phiên. Điều này cho thấy, dù margin tăng nhưng chất lượng dòng tiền vẫn chưa cải thiện nhiều.

Phần lớn các phiên giao dịch trong thời gian gần đây là phiên giảm điểm, biên độ giảm điểm của từng phiên khá mỏng, chỉ ở mức quanh 3 - 4 điểm mỗi phiên. Cùng với đó là thanh khoản sụt giảm cực kỳ mạnh, cho thấy áp lực bán tuy chi phối thị trường chung nhưng cũng được kiềm chế tương đối. Do đó, thị trường chung vẫn duy trì được các ngưỡng hỗ trợ mạnh tại 1.160 - 1.170 điểm, giữ được tiềm năng tăng trở lại trong tuần tiếp theo.

Nhà đầu tư cá nhân là nhóm bán ròng chính trong tuần vừa qua, khi nhà đầu tư nước ngoài và tự doanh duy trì đà mua ròng lớn. Dự kiến, xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì đến trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài.

Điều đó cho thấy, lực đẩy thị trường chủ yếu đến từ tiền margin. Nhìn ở góc độ khách quan, việc dư nợ margin tiệm cận vùng đỉnh lịch sử không có nhiều sự tương quan trực tiếp đến mức độ rủi ro cao hay thấp của thị trường nói chung.

Trong giai đoạn cuối quý IV/2023, giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp vốn hóa lớn, vốn được phân bổ tỉ lệ cho vay margin ở mức cao (điển hình là nhóm ngành ngân hàng) tăng mạnh, khiến cho dư nợ cho vay của nhóm này có sự gia tăng tương ứng. Đối với các công ty chứng khoán, yếu tố trên lại là một điểm đáng mừng do đây là điều kiện tiên quyết thúc đẩy đà tăng trưởng doanh thu mảng cho vay ký quỹ của các doanh nghiệp này trong ngắn hạn.

Do đó có nhiều quan điểm cho rằng, tỉ lệ Margin/Vốn hóa hiện nay đang khá cao, nhưng tỉ lệ Margin/Vốn điều lệ vẫn còn rất thấp cho nên dư địa về margin vẫn còn rất lớn. Đồng thời, mức vốn hóa thấp hiện nay chưa phản ánh vào đà hồi phục của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2024. Do đó, mức tỉ lệ Margin/Vốn hóa hiện nay vẫn chưa đáng ngại.

Theo nhận định của TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DG Capital, hiện tại chưa phát sinh rủi ro margin call, nhưng nếu thị trường cứ tăng bằng lực đẩy margin thì sẽ không bền vững. Thông thường, tỉ lệ margin tăng lên khi thị trường có sóng tăng là dấu hiệu thể hiện sự đầu cơ tăng lên. Nếu lượng margin tăng quá nóng sẽ xuất hiện áp lực chốt lãi của dòng tiền đầu cơ, gây ra những biến động lớn về giá cổ phiếu và tâm lý nhà đầu tư. Lượng margin tốt nhất nên song hành cùng với mức tăng vốn hóa của thị trường và đảm bảo chất lượng cho vay ký quỹ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn