MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhà đầu tư có nên tiếp tục kỳ vọng vào cổ phiếu thép?

Minh An LDO | 28/08/2021 16:44

FiinGroup vừa cập nhật triển vọng cổ phiếu thép trong bối cảnh triển vọng lợi nhuận chung của ngành thép đang gặp trở ngại do ảnh hưởng của giãn cách xã hội cũng như biến động chi phí đầu vào.

Thị trường kỳ vọng các doanh nghiệp ngành thép sẽ tiếp tục duy trì kết quả kinh doanh khả quan trong quý III nhờ xuất khẩu thép các loại tăng trở lại, giúp bù đắp phần hụt giảm về sản lượng tiêu thụ trong nước do ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội khi COVID-19 bùng phát.  

Tuy nhiên, FiinGroup tỏ ra hoài nghi: “Việc kỳ vọng cổ phiếu đã tăng quá nóng sẽ tiếp tục “uptrend” trong thời gian tới liệu có khả thi không khi mà triển vọng lợi nhuận chung của ngành thép đang gặp trở ngại do ảnh hưởng của giãn cách xã hội cũng như biến động chi phí đầu vào?”

Xuất khẩu tháng 7 tăng trở lại

Báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết sản lượng xuất khẩu thép các loại tháng 7/2021 tăng gần 6% so với tháng 6/2021 và 55% so với cùng kỳ. Riêng với mặt hàng tôn mạ kim loại và sơn phủ màu của Việt Nam, xuất khẩu trong tháng 7 tăng lần lượt là 6% và 38%.

FiinGroup nhận định đây là một trong những yếu tố hỗ trợ đà tăng giá của cổ phiếu ngành thép trong các phiên gần đây bởi HPG (Hòa Phát) hiện chiếm khoảng ¼ tổng lượng thép xuất khẩu của Việt Nam trong khi hai doanh nghiệp tôn mạ NKG (Thép Nam Kim) và HSG (Hoa Sen) đóng góp gần 60% tổng lượng tôn mạ xuất khẩu.

NKG thông tin sản lượng tiêu thụ tôn tháng 7 tăng 48% so với cùng kỳ, riêng xuất khẩu tăng 77%. Tuy nhiên, nếu so với tháng 6/2021, sản lượng tiêu thụ và xuất khẩu tôn giảm lần lượt là 14,8% và 1,5%.

Xuất khẩu thép các loại của Việt Nam dự kiến tiếp tục tăng do Trung Quốc, chiếm 54% sản lượng thép toàn cầu, có kế hoạch cắt giảm sản lượng nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí khi mùa đông đến. Ngoài ra, các nhà sản xuất thép Hoa Kỳ cũng đang có kế hoạch nhập khẩu HRC từ Việt Nam, dự kiến vào quý IV này.  

Quá phụ thuộc vào xuất khẩu đang là yếu tố khá rủi ro

FiinGroup cho rằng xuất khẩu tích cực chưa nói lên đầy đủ bức tranh về triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép trong quý III này. Hiện, xuất khẩu chỉ đóng góp khoảng 62% tổng sản lượng tiêu thụ của NKG, 53% đối với HSG và khoảng 30% đối với HPG.

Số liệu của VSA cũng cho thấy tiêu thụ thép các loại trong nước tháng 7/2021 giảm 2,1% so với tháng 6 và là tháng thứ tư liên tiếp giảm kể từ tháng 3/2021. So với cùng kỳ năm 2020, tiêu thụ thép trong nước cũng giảm 6%.

Nguyên nhân một phần là vì đây là giai đoạn thấp điểm về xây dựng nhà ở dân dụng ở miền Bắc. Nhưng quan trọng hơn đó là các hoạt động xây dựng bị gián đoạn tạm thời ở TPHCM (chiếm khoảng 1/3 tổng lượng tiêu thụ thép của cả nước) do giãn cách xã hội kể từ 1.6.2021.

Tập đoàn Hoa Sen vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh tháng 7, trong đó tiêu thụ tăng 7,8% so với tháng 6, nhưng chủ yếu nhờ xuất khẩu tôn mạ tăng hơn 20%. Tiêu thụ tôn mạ trong nước, theo FiinGroup ước tính, giảm khoảng 34% so với tháng 6 và 13% so với cùng kỳ năm trước.

Biên lợi nhuận quý III của ngành Thép dự kiến khó có thể duy trì ở mức cao như nửa đầu năm do giá thép trong nước vẫn tiếp tục giảm trong khi giá nguyên liệu đầu vào đang có diễn biến trái chiều.

Quặng và than cốc chiếm khoảng 60% chi phí nguyên vật liệu để sản xuất thép. Giá quặng giảm 40% kể từ giữa tháng 7 do lo ngại nhu cầu giảm khi Trung Quốc tiếp tục kế hoạch cắt giảm sản lượng thép vào mùa đông. Tuy nhiên, giá than cốc đã tăng trên 40% do hạn chế nguồn cung từ Úc và Mông Cổ trong khi nhu cầu than cho nhiệt điện tại nhiều quốc gia tăng mạnh.  

Trong khi đó, giá HRC, nguyên vật liệu đầu vào chính cho sản xuất tôn mạ và ống thép – hai sản phẩm chủ lực của HSG và NKG, đã giảm 5% kể từ cuối tháng 7. Đây là trở ngại lớn đối với triển vọng lợi nhuận của HPG và là yếu tố bất lợi trong ngắn hạn đối với HSG và NKG (do đã tích trữ lượng lớn nguyên đầu vào khi giá HRC ở mức cao).

Việc quá phụ thuộc vào xuất khẩu đang là yếu tố khá rủi ro và chưa đủ để đảm bảo kết quả kinh doanh tích cực cho các doanh nghiệp thép, nhất là khi Bộ Tài chính vừa đề xuất tăng thuế xuất khẩu phôi thép lên 5% từ mức hiện tại 0% và giá HRC đang trong xu hướng giảm. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn