MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chi phí đắt đỏ, giá nguyên liệu cao, giá thành sản phẩm thấp, khiến nhiều nhà đầu tư nhượng quyền Mixue điêu đứng. Ảnh: Tuyết Lan

Nhà đầu tư điêu đứng vì chính sách giảm giá của Mixue

Tuyết Lan LDO | 06/10/2023 14:38

Bỏ hàng tỉ đồng để ký hợp đồng nhượng quyền thương hiệu Mixue nhưng nhiều nhà đầu tư đang chật vật duy trì kinh doanh vì sự cạnh tranh cao, nguyên liệu đầu vào đắt đỏ, giá thành bán sản phẩm thấp. Thậm chí, nhiều chủ quán “cắn răng” quyết định đóng cửa vì bù lỗ.

“Bỏ tiền tỉ mở quán, bán sản phẩm bằng giá quán nước vỉa hè…”

Nghỉ việc nhà nước, chị V.T.L - chủ cửa hàng Mixue ở Hà Nam đã đổ toàn bộ tài sản để mở 3 cửa hàng nhượng quyền. Tuy nhiên, địa bàn cạnh tranh cao, lợi nhuận thấp khiến chị L điêu đứng.

“Toàn bộ chi phí từ khi ký hợp đồng lên đến khoảng 1 tỉ đồng. Khi ký hợp đồng nhượng quyền các nhà đầu tư phải tuân thủ các yêu cầu về hình thức quán, phí đào tạo, nguyên liệu và các thiết bị làm sản phẩm. Khi mới đi vào hoạt động, doanh thu của quán tương đối tốt vì không có nhiều người cạnh tranh. Nhưng hiện tại, cách vài kilômét lại có một quán cạnh tranh nên doanh thu giảm rõ rệt. Hàng loạt quán mới mở nên phải “san sẻ” khách hàng”- chị L cho hay.

Thời gian gần đây, Mixue đưa ra chính sách giảm giá nhập nguyên liệu đầu vào khoảng 8 - 10%, nhưng lại yêu cầu các cửa hàng giảm 25% giá bán các sản phẩm khiến nhiều chủ cửa hàng điêu đứng.

Theo chị L doanh thu trung bình trong các tháng hè, quán đạt 300 triệu đồng nhưng nếu làm theo chính sách của Mixue sẽ lỗ từ 30 - 35 triệu đồng/tháng: “Đầu tư hàng tỉ đồng, phục vụ khách bài bản, cơ sở vật chất đầy đủ nhưng bán sản phẩm chỉ bằng giá cốc nước lề đường thì không thể có lợi nhuận. Nếu bên Mixue thực hiện chính sách tăng giá nguyên liệu, giảm giá sản phẩm sẽ khiến các cửa hàng “điêu đứng”. Điều này không khác gì các chủ cửa hàng nhượng quyền đi làm không công cho Mixue”.

Anh T.V.C chủ cửa hàng Mixue tại Nam Định hiện cũng đang chật vật duy trì hoạt động kinh doanh: "Những quán mới mở thực hiện chính sách công ty mới đưa ra chắc chắn sẽ không cầm cự được vì sức cạnh tranh quá lớn. Quán của tôi vẫn duy trì mức giá cũ, nếu tình hình không khả quan tôi sẽ đóng cửa để tránh bù lỗ” - anh C cho hay.

Mô hình nhượng quyền thương hiệu mọc lên như nấm

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Châu Đình Linh - chuyên gia Kinh tế, Giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TPHCM - mô hình kinh doanh nhượng quyền thương hiệu luôn được nhiều nhà đầu tư ưu ái nhờ tỉ suất lợi nhuận hấp dẫn cùng khả năng tiết kiệm chi phí xây dựng thương hiệu.

“Mixue đang đẩy mạnh gia tăng thị phần tại Việt Nam. Khi sản phẩm giảm giá sẽ tiếp cận và thu hút được đông đảo người dùng. Khi thương hiệu đã đạt số lượng người dùng nhất định thì chắc chắn họ sẽ cân bằng lợi nhuận, việc tăng giá sản phẩm chỉ là sớm hay muộn. Tuy nhiên, chính sách kinh doanh của Mixue đang mâu thuẫn với quyền lợi nhà đầu tư nhượng quyền. Công ty nên có buổi đàm phán với các nhà nhượng quyền để đem lại lợi ích phù hợp cho cả hai bên” - ông Linh khẳng định.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Phó Dũng - Giám đốc Công ty Luật TNHH OPIC và Cộng sự, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội - cho biết, sự việc của Mixue chính là lời cảnh tỉnh cho những người muốn kinh doanh nhượng quyền.

"Khi nhà đầu tư muốn kinh doanh theo mô hình nhượng quyền thương hiệu cần tìm hiểu kỹ về bên nhượng quyền, hợp đồng nhượng quyền, mô hình nhượng quyền, phạm vi lãnh thổ nhượng quyền, lĩnh vực kinh doanh hoạt động nhượng quyền, các chi phí, nghĩa vụ tài chính, chấm dứt hợp đồng.

Hợp đồng nhượng quyền quy định chặt chẽ nên trước khi quyết định đầu tư mô hình nhượng quyền nhà đầu tư nên nhờ các chuyên gia chuyên sâu để rà soát pháp lý. Đồng thời đàm phán các nội dung hợp đồng để đảm bảo tuân thủ pháp luật và tránh những rủi ro không đáng có" - ông Dũng cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn