Ngày 6.8, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đã tiếp xã giao ông Azuma Yoshiro - Chủ tịch Hiệp hội phục hồi và phát triển cường thịnh nền kinh tế quốc gia Nhật Bản (TNG) đến để tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Quảng Ninh.
Theo ông Azuma Yoshiro, TNG là liên minh các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, trong đó có hơn 30 nghị sỹ, đã triển khai đầu tư ở nhiều quốc gia trên thế giới với tổng số vốn đạt khoảng 64 tỉ USD.
Trong giai đoạn phát triển mới, định hướng của TNG sẽ đẩy mạnh đầu tư tại khu vực châu Á, đặc biệt là Việt Nam - một trong những nền kinh tế mở, tốc độ tăng trưởng cao. Sau khi thực hiện rà soát, khảo sát tại Việt Nam, hiệp hội này mong muốn được lựa chọn tỉnh Quảng Ninh, địa phương phát triển năng động nhất cả nước, để triển khai nghiên cứu, đầu tư vào một số lĩnh vực như giao thông, công nghiệp, cảng biển, bất động sản, môi trường…
Trong giai đoạn trước mắt, ông Azuma Yoshiro đề nghị tỉnh tạo điều kiện, giới thiệu để Hiệp hội tiến hành khảo sát, nghiên cứu, để xuất các ý tưởng đầu tư. Đặc biệt quan tâm đến các dự án đã có trong quy hoạch của tỉnh, như: Đô thị tại khu vực phía Bắc vịnh Cửa Lục, Khu cảng tổng hợp và dịch vụ hậu cần cảng biển Hải Hà, Bến cảng nước sâu Cái Chiên và đặc biệt là dự án hầm xuyên vịnh Cửa Lục.
Dự án hầm đường bộ xuyên vịnh Cửa Lục từng dự kiến được khởi công trong năm 2019 và hoàn thành năm 2025, góp phần giảm tải cho cầu Bãi Cháy - cây cầu huyết mạch kết nối hai khu vực phía Đông và Tây của TP.Hạ Long.
Theo thiết kế, hầm đường bộ xuyên vịnh Cửa Lục nằm song song với cầu Bãi Cháy, có quy mô 6 làn xe, tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 2.750m, trong đó, chiều dài hầm khoảng 2.140m (gồm 1.000m hầm dìm và 1.140m hầm dẫn).
Hầm nằm dưới đáy biển cách mặt nước không quá 17m (hầm Thủ Thiêm là 24m). Tốc độ xe lưu thông trong hầm có thể đạt 60km/h, hầm có thể chịu được động đất 6 độ Richter.
Được biết, từ khâu tư vấn đến thiết kế đều do các công ty và chuyên gia của Nhật thực hiện.
Tuy nhiên sau đó, Quảng Ninh tạm dừng triển khai dự án để tập trung nguồn vốn cho các công trình giao thông đặc biệt quan trọng khác, trong đó có cầu Cửa Lục 1 (cầu Tình Yêu) và cầu Cửa Lục 3 (cầu Bình Minh), nhằm phục vụ cho việc mở rộng không gian đô thị sau khi sáp nhập huyện Hoành Bồ và TP Hạ Long.
Hiện, Quảng Ninh vẫn dự trữ quỹ đất để xây dựng tuyến hầm đường bộ này.
Trao đổi với ông Azuma Yoshiro, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết, các dự án đầu tư cụ thể được TNG đề xuất đều là các dự án có ý nghĩa đối với việc phát triển động bộ hạ tầng, phù hợp với chiến lược của tỉnh Quảng Ninh. Mục tiêu trước năm 2030, Quảng Ninh sẽ hoành các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương, vì thế giai đoạn này, nhu cầu về nguồn vốn đầu tư đang rất cần, nhất là nguồn vốn FDI.
Ông Huy cũng hi vọng ông Azuma Yoshiro cùng các nhà đầu tư TNG sẽ phối hợp, tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư Nhật Bản tại Quảng Ninh trong quý IV.2024; sớm triển khai các ý tưởng phát triển mới. Quảng Ninh cũng đang nghiên cứu đầu tư KCN, khu đô thị dành riêng cho các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, đảm bảo các điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư phát triển tại tỉnh bền vững.