MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việt Nam ngày càng hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh minh họa: Quang Hiếu.

Nhà đầu tư nước ngoài: Việt Nam là “thỏi nam châm” mới

Minh An LDO | 12/02/2021 18:54

Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài nhận định nỗ lực của Việt Nam nhằm phát triển kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh trong những năm qua đang góp phần tái định vị đất nước sau cuộc khủng hoảng COVID-19. Cùng với việc Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực từ 1.1.2021 giúp Việt Nam ngày càng hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Ludwig Graf Westarp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Đức tại Việt Nam

Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình thấp đang tăng trưởng nhanh ấn tượng. Đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới và trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Quy mô thị trường Việt Nam với gần 100 triệu dân và với một trong những tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất trên thế giới là cơ hội lớn với các doanh nghiệp nước ngoài.

Về chính sách tiền tệ, Việt Nam duy trì được tỉ giá rất tốt, tiền đồng ổn định và môi trường chính trị ổn định.

Dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào với chi phí thấp, độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn với việc tham gia ngày càng sâu rộng vào các FTA, cơ sở hạ tầng ngày một hoàn thiện và vẫn đang được đẩy mạnh đầu tư... là những điểm hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.

Luật Đầu tư 2020 của Việt Nam có hiệu lực từ tháng 1.2021 cho phép người nước ngoài có thể sở hữu 100% doanh nghiệp trong nước ở một số ngành nghề là rất tích cực với các nhà đầu tư nước ngoài.

Những thách thức trong kinh doanh đối với các doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam có thể liên quan đến sự khác biệt về văn hóa và kỳ vọng. Tôi tin rằng, khi hai bên cùng vượt qua những thách thức đó, quan hệ kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và EU sẽ phát triển tốt đẹp.

Giáo sư Andreas Stoffers - Giám đốc Quốc gia Quỹ FNF tại Việt Nam

Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam thực sự đã có nhiều thay đổi kể từ sau Đổi mới (1986).

Trong những năm gần đây, sự thay đổi này lại một lần nữa như “máy bơm tăng áp”. Nhiều quyết định đã được các cơ quan chức năng đưa ra có ý nghĩa tích cực đối với doanh nghiệp, không chỉ cho các công ty Việt Nam mà còn rất có lợi cho nhà đầu tư và đối tác thương mại nước ngoài.

Chúng bao gồm nhiều hiệp định thương mại tự do, đầu tiên và trước hết là EVFTA được phê chuẩn vào năm 2020. Bên cạnh đó là Luật đầu tư nhiều tự do, mang lại cho các nhà đầu tư sự chắc chắn về mặt pháp lý, như trong Luật đầu tư mới của Việt Nam, áp dụng ngày 1.1.2021 hoặc trong Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), hy vọng sẽ được phê chuẩn vào giữa năm 2021.

Ngoài ra, những nỗ lực của các tỉnh trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, được đo bằng chỉ số PCI, cũng rất hiệu quả. Cá nhân tôi ấn tượng về các ý tưởng Cơ quan một cửa ở Quảng Ninh, khái niệm “Bác Sĩ Doanh Nghiệp” ở Bắc Ninh hay cách tiếp cận thành phố thông minh ở Thừa Thiên-Huế.

Theo quan điểm thị trường, sự cạnh tranh công bằng giữa các tỉnh sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của cả nước. Tất cả nỗ lực của Việt Nam trong những năm qua đang góp phần tái định vị đất nước sau cuộc khủng hoảng COVID-19.

Ông Nicolas Audier - Chủ tịch EuroCham

Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cùng với EVFTA, việc kiểm soát tốt đại dịch COVID-19 đã biến Việt Nam thành thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư Châu Âu.

Kết quả khảo sát môi trường kinh doanh (BCI) mới nhất là một bức tranh tích cực về môi trường kinh doanh của Việt Nam và định hướng triển vọng năm 2021.

Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào nền kinh tế ngày càng được củng cố trong một năm qua. Đây là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế - xã hội 5 năm tới của Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn