MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Minh hoạ của ĐAN

Nhà mạng đua nhau vét “chạy khuyến mại”

LÂM ANH LDO | 28/02/2018 06:28
Những ngày cuối tháng 2, nhiều nhà mạng đã kêu gọi khách hàng nạp tiền thẻ cho các thuê bao trả trước, đây là đợt thuê bao khuyến mại 50% cuối cùng trong năm 2018.

Thực chất, hôm nay, ngày 28.2 là ngày cuối cùng trước khi Thông tư số 47/2017/TT-BTTTT quy định hạn mức khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất có hiệu lực. Theo đó, các thuê bao di động trả trước sẽ chỉ nhận mức khuyến mại tối đa 20%. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.3.2018.

Khuyến khích thuê bao trả sau

Để đảm bảo quyền lợi và thúc đẩy phát triển thuê bao trả sau, hạn chế cuộc gọi rác, tin nhắn rác, Bộ TTTT ban hành thông tư quy định hạn mức khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất trên tinh thần bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trên thị trường dịch vụ di động, đảm bảo an toàn, an ninh xã hội, bảo đảm quyền lợi của khách hàng sử dụng dịch vụ (thuê bao trả trước chuyển sang trả sau vẫn được hưởng mức khuyến mại không quá 50%).

Thông tư 47 gồm 7 điều, quy định mức tổng giá trị tối đa của dịch vụ, hàng hoá dùng để khuyến mại trong một chương trình khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động, hàng hoá viễn thông chuyên dùng. Cụ thể, các thuê bao trả trước sẽ nhận mức khuyến mại tối đa 20% và thuê bao trả sau nhận mức khuyến mại tối đa 50%.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông phải lên kế hoạch hướng dẫn khách hàng chuyển đổi từ thuê bao trả trước sang thuê bao trả sau nhanh gọn, đơn giản nhất có thể, đồng thời phải tuân thủ nghiêm túc các quy định về hạn mức khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất. Trường hợp nhà mạng vi phạm quy định về hạn mức khuyến mại sẽ bị xử phạt hành chính và truy thu thuế đối với các chương trình khuyến mại sai quy định.

Tính đến cuối năm 2017, số lượng tin nhắn rác chặn được trên toàn mạng là 214 triệu tin. Bộ TTTT cũng đã tiếp nhận 68.610 lượt phản ánh tin nhắn rác đến đầu số 456.

Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp di động vẫn tiếp tục đua nhau thu hút thuê bao trả trước đăng ký mới, liên tục đưa ra các chương trình khuyến mại cho thuê bao trả trước để cạnh tranh không lành mạnh, buông lỏng quản lý đăng ký thuê bao nên hiện tượng lợi dụng để nhắn tin quảng cáo, đe doạ, nhắn tin độc hại vẫn xuất hiện tràn lan. Lượng tin nhắn rác phát sinh từ thuê bao trả trước đăng ký mới vẫn lớn hơn so với số tin nhắn rác, cuộc gọi rác được các cơ quan xử lý chặn lọc được. Trong khi đó, thuê bao trả sau là nhóm khách hành trung thành, cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà mạng khi đăng ký dịch vụ lại rất ít được hưởng chính sách khuyến mại.

Hết thời sim rác?

Báo Lao Động từng phân tích, cuối năm 2017, Bộ Công Thương đưa ra dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 37/2006/NĐ-CP ngày 4.4.2006 quy định chi tiết một số điều của Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại. Theo dự thảo, Nghị định sửa đổi, Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Trong trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mãi tập trung (như tuần khuyến mãi, tháng khuyến mãi, mùa khuyến mãi, ngày lễ khuyến mãi...) thì mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mãi có thể lên đến 70%.

Còn theo Điều 9 của dự thảo Nghị định sửa đổi có 2 phương án: “Phương án 1, tổng thời gian thực hiện chương trình khuyến mãi bằng cách giảm giá đối với một loại nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ không được vượt quá 90 ngày/năm; một chương trình khuyến mãi không được vượt quá 45 ngày. Phương án 2, bỏ khoản này”.

Các chuyên gia cho rằng, nếu các nội dung này được áp dụng, nguy cơ dùng sim “rác” hưởng khuyến mại có thể sẽ lại bùng nổ.

Chính vì thế, Bộ TTTT kịp thời ra thông tư 47. Theo lãnh đạo Cục viễn thông thì việc thúc đẩy thuê bao trả sau, hạn chế tin nhắn rác, cuộc gọi rác được Chính phủ giao tại điểm a- khoản 1 điều 37 Nghị định 25/2011/NĐ-CP. Bộ TTTT được quy định hạn mức khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất trên tinh thần đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.

Thông tư cũng có những quy định rất đáng chú ý khác như “khách hàng thường xuyên của dịch vụ thông tin di động” gồm hai đối tượng: Thuê bao trả sau và thuê bao trả trước nhưng đã sử dụng dịch vụ liên tục, tối thiểu là 1 năm với tổng cước đã thanh toán cho doanh nghiệp di động tối thiểu 1 triệu đồng.

Với Thông tư 47, sẽ hạn chế được nguy cơ các nhà mạng vào cuộc đua phá giá và làm méo mó thị trường. Khi đó, doanh nghiệp nào yếu hơn sẽ phá sản và xuất hiện tình trạng độc quyền, hoặc doanh nghiệp “bắt tay” nhau cùng tăng giá và cuối cùng người tiêu dùng lại bị thiệt hại. Điều quan trọng, dù một bộ phận người dùng sẽ không còn những gói ưu đãi khủng nhưng hàng triệu thuê bao khác sẽ không còn nỗi lo bị tấn công bởi cơn bão sim rác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn