MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng trồng cây trong khuôn viên Nhà máy chế biến hoa quả tươi và dược liệu Vân Hồ. Ảnh: Vũ Long

Nhà máy chế biến hoa quả tươi tạo sinh kế cho hàng nghìn lao động

Vũ Long LDO | 20/09/2020 20:45

Công suất chế biến 300 tấn rau quả/ngày, Nhà máy chế biến hoa quả tươi và dược liệu Vân Hồ, góp phần đưa nông sản vào chế biến sâu.

Sáng nay (20.9), UBND tỉnh Sơn La, Tập đoàn TH tổ chức lễ khánh thành Nhà máy chế biến nước hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ đặt tại bản Co Chàm, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đã tới dự.

Đây là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam chế biến nước quả cam, nhãn dạng cô đặc, sử dụng các công nghệ mới và hiện đại nhất thế giới trong sản xuất nước quả: Công nghệ trích ly chuyên dụng hoàn toàn tự động, thiết bị cô đặc dạng tấm bản tiên tiến, công nghệ chế biến áp suất cao HPP.

Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ tạo công ăn việc làm cho gần 200 lao động làm việc trực tiếp tại nhà máy và hàng chục nghìn lao động gián tiếp trên địa bàn tỉnh Sơn La. Tập đoàn TH sẽ đóng vai trò là đầu tàu “kéo” nông dân đi theo chuỗi sản xuất khép kín - bắt đầu từ khâu nguyên liệu, phát huy nguồn gene quý của các cây bản địa để sản xuất các sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên, phát triển nông nghiệp bền vững.

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông cho biết: Toàn tỉnh có 72.000ha cây ăn quả, đến nay, Sơn La đã xây dựng được 90 chuỗi cung ứng quả an toàn với 161 mã số vùng trồng 4.300ha cây ăn quả xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ, Australia…

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tham quan dây chuyền chế biến nước hoa quả tươi. Ảnh: P.H

Như vậy, tiềm năng, nguồn lực đất đai để khai thác, đưa vào các mô hình nông nghiệp công nghệ cao vẫn còn rất lớn. Nhà máy chế biến hoa quả tươi và dược liệu Vân Hồ sẽ là hạt nhân để gây dựng tiếp các vùng trồng hoa quả đặc sản, đưa thương hiệu hoa quả của tỉnh Sơn La vươn xa.

“Dự án này có sức lan toả lớn và thúc đẩy người nông dân, các hợp tác xã nông nghiệp hướng đến sản xuất theo quy trình, áp dụng khoa học kỹ thuật, kiểm soát chất lượng để gắn với chế biến tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông sản” - Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông nhận định.

Tập đoàn TH dự kiến triển khai liên kết với nông dân các vùng trồng hoa quả trọng điểm ở Sơn La như các huyện trồng nhãn Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu; huyện Vân Hồ (nơi đặt nhà máy); vùng cam ngon nổi tiếng ở huyện Phù Yên, Yên Châu, Mộc Châu và mở rộng sang Cao Phong, Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình); Vân Hội (Trấn Yên – Yên Bái).

Không chỉ phát triển kinh tế, sự xuất hiện tiên phong của một doanh nghiệp lớn và uy tín như Tập đoàn TH ở một huyện vùng cao, khó khăn của tỉnh vùng biên, sẽ thu hút thêm nhiều doanh nghiệp về đầu tư, góp phần thực hiện bền vững chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, nâng tầm kinh tế vùng biên giới, bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

Nâng cao trình độ kỹ thuật cho nông nghiệp vùng cao

Ông Hoàng Văn Chất - Giám đốc Hợp tác xã Trường Tiến, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La - cho hay: HTX Trường Tiến có 32ha cây có múi từ 2014 đến nay, năm nay dự thu trên 200 tấn cam. Diện tích của nhà ông Chất có 4,7ha, năm ngoái thu được hơn 80 tấn, dự kiến năm 2020 thu hoạch khoảng hơn 100 tấn.

Băng chuyền đầu tiên được bấm nút hoạt động. Ảnh: P.H

“Chúng tôi thành lập HTX từ 3 năm nay, đã đăng ký theo tiêu chuẩn VietGap, phân bón chủ yếu dùng phân hữu cơ là chính. Chất lượng quả được bên Quản lý nông lâm sản khu vực 2 phía Bắc hàng năm kiểm tra thường xuyên đảm bảo tiêu chuẩn VietGap: Không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không có dư lượng kim loại nặng. Sau này, nếu nhà máy TH thu mua sản phẩm cho bà con chúng tôi sẽ chấp hành nghiêm theo các tiêu chuẩn VietGap, các quy định về bảo vệ thực vật" - ông Chất nói.

Trao đổi với PV, nhiều nông dân cũng kỳ vọng, nhà máy thường xuyên kết hợp với nông dân trong các vấn đề tư vấn kỹ thuật, hướng dẫn cách dùng thuốc bảo vệ thực vật, gắn liền nhà máy với nhân dân để tiêu thụ nông sản dễ dàng hơn, giúp nông dân tăng thêm thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Ở giai đoạn 1 (trước 2025), nhà máy sẽ được đầu tư 1.200 tỉ đồng, xây dựng 15.000ha vùng nguyên liệu; xây dựng nhà máy chế biến các loại trái cây cam, nhãn, xoài, chanh leo, sơn tra để cho ra dòng sản phẩm: Nước nhãn ép (Longan Juice), nước cam cô đặc (Orange juice concentrate), dịch ép xoài, nước chanh leo cô đặc (Passion juice concentrate); sản phẩm chế biến từ sơn tra…

Trong giai đoạn 2 của dự án, tỉnh Sơn La và Tập đoàn TH sẽ nâng quy mô lên 15ha, vốn đầu tư 3.500 tỉ đồng để giải quyết đầu ra, bao tiêu nông sản cho 35.000ha trồng cây ăn quả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn