MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn. Ảnh: PVN

Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn sẽ nhận 8.247 tỉ đồng bù giá

Anh Tuấn LDO | 04/01/2024 16:14

Chính phủ đồng ý chi 8.247 tỉ đồng để thanh toán tiền bù giá bao tiêu sản phẩm cho Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn.

Theo quyết định dự toán ngân sách do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được giao 8.247 tỉ đồng để xử lý tài chính, thanh toán tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn 2018 - 2023. Khoản tiền này được Quốc hội quyết định tháng 11 năm ngoái, lấy từ nguồn chi đầu tư phát triển ngân sách trung ương 2023.

Bộ Tài chính và PVN chịu trách nhiệm về tính chính xác số liệu, thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về kết quả bao tiêu sản phẩm và số tiền bù giá.

Trong năm 2023, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn - đơn vị chiếm 35% tổng nguồn cung xăng dầu trong nước đối diện nhiều thách thức. Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán, công ty vẫn lỗ lũy kế lớn, lợi nhuận trước thuế những năm qua tuy có cải thiện nhưng chưa tạo chuyển biến đáng kể. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vẫn đang bù lỗ khi nhà máy vận hành thương mại.

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn là một trong những dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) với mức vốn 9 tỉ USD. Nhà máy là dự án liên doanh của 4 doanh nghiệp gồm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait KPI, Công ty Công ty Idemitsu Kosan và Công ty Hóa chất Mitsu.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động tại một sự kiện hồi tháng 12.2023, ông Susumu Nibuya - Phó Chủ tịch Công ty Idemitsu Kosan (Nhật Bản), nhà đầu tư Nhật Bản góp 35% vốn tại Lọc dầu Nghi Sơn - cho biết, tháng 10 vừa qua, công ty đã hoàn thành công việc dừng nhà máy để bảo dưỡng định kỳ.

Theo ông, kể từ khi nhà máy vận hành thương mại vào năm 2018, đây là lần đầu tiên nhà máy dừng và bảo dưỡng mang tính quy mô tổng thể. Trước đó, nhà máy đã có xảy ra một số trục trặc cho nên việc vận hành vẫn chưa được thuận lợi.

Với việc dừng để bảo dưỡng định kỳ tổng thể lần này, ông Susumu Nibuya cho hay, đã giúp tăng hiệu suất vận hành và sản lượng của nhà máy. Theo tính toán và ước tính của công ty, năm 2024 sẽ tăng năng suất gấp đôi.

Về vấn đề tài chính của nhà máy, ông Susumu Nibuya cho biết, với động thái Mỹ điều chỉnh lãi suất với xu hướng giảm nên ban lãnh đạo công ty hy vọng lãi suất chung trên thị trường cũng sẽ được điều chỉnh giảm dần.

Ông Susumu Nibuya tin tưởng: “Việc quan trọng với chúng tôi là làm sao để có thể vận hành nhà máy một cách ổn định, nhằm chuyển từ lỗ sang lãi. Vì vậy, chúng tôi cũng đang phối hợp với các cơ quan quản lý tại Việt Nam và Đại sứ quán Nhật Bản, các cổ đông để các bên có những biện pháp giúp nhà máy hoạt động ổn định”.

Theo Phó Chủ tịch Idemitsu Kosan, Việt Nam là một thị trường trọng tâm trong chiến lược kinh doanh của Idemitsu Kosan. Vì vậy, Idemitsu Kosan cần phải hợp tác chặt chẽ hơn với từng doanh nghiệp tại Việt Nam và tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới.

Bên cạnh đó, Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực an ninh năng lượng của Việt Nam nên việc nhanh chóng kết nối, liên lạc kịp thời càng cần thiết hơn bao giờ hết với Chính phủ Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Đại sứ quán Nhật Bản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn