MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhà thầu xây dựng lao đao vì bão giá nguyên liệu

Minh Hoà LDO | 09/08/2022 07:47
Bão giá vật liệu xây dựng đang trở thành “cơn ác mộng” đối với các doanh nghiệp (DN), nhà thầu, khi họ liên tục phải đối diện với nhiều thách thức về tiến độ và nguồn vốn trong 6 tháng đầu năm 2022. Các chuyên gia cho rằng, tình hình về cuối năm của ngành xây dựng cũng sẽ không mấy khả quan vì dòng vốn đổ vào thị trường này đang bị kiểm soát chặt chẽ. 

Bức tranh ảm đạm

Mới đây, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) đã đưa ra báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 với các chỉ số tài chính không mấy khả quan. Doanh thu công ty tuy vẫn tăng trưởng nhưng chi phí cao đẩy biên lợi nhuận xuống thấp, dòng tiền cũng chuyển sang trạng thái âm do các khoản phải thu tăng mạnh. Chi phí tài chính, chủ yếu là chi phí lãi vay cũng tiêu tốn của HBC số tiền 143 tỉ đồng, tăng 78%. Kết quả, HBC lãi sau thuế hơn 50 tỉ đồng trong quý II, giảm 14% so với cùng kỳ.

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình - cho rằng, sau 2 năm chịu tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19, ngành xây dựng lại gặp khó khăn khi các DN bất động sản bị kiểm soát nguồn vốn vay, khiến việc thanh toán cho nhà thầu bị chậm trễ, nhiều dự án đầu tư bị trì hoãn.

Bão giá vật liệu xây dựng đang trở thành “cơn ác mộng” đối với các doanh nghiệp xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2022. Ảnh: XD 

Đặc biệt, những khó khăn đó chưa qua đi thì tình hình chiến sự Nga - Ukraine đã khiến đầu tư nước ngoài không tăng mạnh như kỳ vọng, giá cả leo thang chóng mặt. Khó khăn chồng chất khiến rất nhiều nhà thầu có quy mô lớn vừa qua phải đối diện với nguy cơ phá sản nếu không có sự hỗ trợ từ Chính phủ.

Báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp Sông Đà (SDD) cũng ghi nhận trong quý II/2022, SDD đạt 4 tỉ đồng doanh thu, giảm gần 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng khoản doanh thu hợp đồng xây dựng không ghi nhận bất kỳ một đồng nào, chủ yếu là doanh thu bán điện. Do chi phí tài chính tiếp tục cao chủ yếu là lãi vay khiến SDD ghi nhận lỗ thuần 1,3 tỉ đồng.

Trong kỳ vừa qua, phía Công ty cổ phần Xây dựng số 9 (VC9) cũng có doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 128 tỉ đồng - tăng 121%, lợi nhuận gộp đạt 22 tỉ đồng - tăng 365%. Tuy doanh thu tài chính tăng nhưng chi phí tài chính cũng tăng mạnh, cộng với khoản lỗ khác 18 tỉ đồng dẫn đến lợi nhuận sau thuế của VC9 đã âm 8,3 tỉ đồng so với năm ngoái có lãi ở mức 163 tỉ đồng.

Lợi nhuận đang giảm sâu

Theo nhận định của một số công ty chứng khoán, trong cơ cấu chi phí xây dựng, nguyên vật liệu đang chiếm đến 65 - 70% giá dự toán xây dựng công trình. Trong đó, thép và ximăng là hai vật liệu quan trọng nhất. Hiện diễn biến giá thép hạ nhiệt giúp các DN xây dựng hưởng lợi đáng kể.

Tuy nhiên giá ximăng vẫn tăng lên 1,65 - 1,7 triệu đồng/tấn do chi phí nguyên liệu đầu vào như than, điện, xăng dầu, thạch cao, các loại phụ gia, vỏ bao, giá cước và nhân công đều tăng khiến cho DN chưa cải thiện được tình hình.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) thông tin, tại hội nghị ngành xây dựng 6 tháng đầu năm 2022, so với kế hoạch đặt ra thì hầu hết các DN xây dựng lớn đều không đạt. Có 10 DN xây dựng lớn nhất nói chung chỉ đạt 28 - 40% kế hoạch năm, tức chỉ đạt 60 - 80% kế hoạch 6 tháng, kể cả doanh thu lẫn sản lượng.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia từ Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cũng đưa ra nhận định, mặc dù DN xây dựng đã có sự chủ động ứng phó nhưng tăng trưởng vẫn ở mức thấp. Điều này cho thấy một kế hoạch quản trị khủng hoảng có lẽ là chưa đủ.

Các DN vẫn đang hứng chịu những tác động tiêu cực do việc bỏ qua việc đầu tư vào chiến lược phục hồi kinh doanh. Trong khi đây là chiến lược không chỉ giúp DN vượt qua khó khăn từ những rủi ro, gián đoạn mà còn có thể phục hồi nhanh hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn