MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh cỏ kế đồng.

"Nhắm mắt" nhập 1,6 triệu tấn lúa mì bị nhiễm cỏ kế đồng nguy hiểm vào Việt Nam

Kh.V LDO | 11/10/2018 19:15
Theo Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV), lô hàng lúa mì đầu tiên bị phát hiện nhiễm cỏ kế đồng vào ngày 8.5.2018 có xuất xứ từ Nga. Tính từ tháng 5.2018 đến ngày 10.10.2018 đã có hơn 1,6 triệu tấn lúa mì nhập từ Nga, Mỹ, Canada và một số quốc gia khác vào Việt Nam.

Theo Cục BVTV (Bộ NNPTNT), cỏ kế đồng có tên khoa học là Cirsium arvense, là loài cỏ xâm hại nguy hiểm, gây hại cho hơn 27 loại cây trồng, xâm hại các vườn, vùng trồng cỏ chăn nuôi tại 40 quốc gia. Khi cỏ này xuất hiện, chúng "tấn công" trực tiếp cây trồng và môi trường, gây tốn kém chi phí để phòng trừ, kiểm soát.

Hoa cỏ kế đồng

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Sơn Hà - Trưởng Phòng Kiểm dịch thực vật (Cục BVTV) cho biết: Cỏ kế đồng có khả năng sản sinh nhiều hạt nhỏ, mỗi cây có thể sinh ra 5.000 hạt nên dễ phát tán lây lan ra môi trường nhờ gió, côn trùng, động vật, dòng nước, máy móc nông nghiệp và các hoạt động khác của con người. Khi loài cỏ này đã du nhập vào một quốc gia thì không thể diệt trừ triệt để dù phải chi một nguồn kinh phí rất tốn kém.

Chỉ tính riêng tại Mỹ, hàng năm cỏ kế đồng đã gây thiệt hại mùa màng hàng trăm triệu USD, cộng thêm hàng chục triệu USD mua thuốc hóa học phòng trừ. Tuy nhiên, vẫn không thể diệt trừ triệt để vì chúng có bộ rễ ăn sâu xuống đất nên phun thuốc chỉ diệt trừ bộ phận trên mặt đất, mầm cỏ vẫn mọc lên từ rễ dưới đất và lại gây hại sau đó.

Ông Lê Sơn Hà cho biết, nếu các quốc gia xuất khẩu không có biện pháp khắc phục, để bảo vệ sản xuất nông nghiệp cũng như hoàn toàn phù hợp với các quy định và thông lệ quốc tế về kiểm dịch thực vật (KDTV), Việt Nam có quyền áp dụng các biện pháp KDTV cao hơn, buộc tái xuất các lô hàng vi phạm và cao nhất là có thể tạm ngừng hoặc cấm nhập khẩu mặt hàng này.

Để bảo vệ mùa màng và sản xuất trong nước, Cục BVTV đã nhiều lần gửi thông báo cho Cơ quan BVTV quốc gia các nước có hàng hóa nhập khẩu bị nhiễm loài cỏ này, trực tiếp làm việc với Cơ quan đại diện thương mại các nước tại Hà Nội, họp với Cơ quan KDTV các nước yêu cầu xác định ngay nguyên nhân và có biện pháp khắc phục.

Cục BVTV cũng đã họp, cung cấp thông tin và hướng dẫn DNNK biết để chủ động lựa chọn nguồn hàng đảm bảo và ký hợp đồng ràng buộc trách nhiệm với đối tác xuất khẩu. Tuy nhiên, từ khi phát hiện và cảnh báo đến nay đã qua  5 tháng, vi phạm vẫn diễn ra rất nghiêm trọng, đến ngày 10.10.2018 đã có hơn 1,6 triệu tấn lúa mì nhập khẩu bị nhiễm loài cỏ nguy hiểm này được nhập vào Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn