MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhận diện đúng, trúng, kịp thời mới phát huy lợi thế trong quan hệ hợp tác thương mại với Trung Quốc

Cường Ngô LDO | 28/04/2023 18:52
Trung Quốc đã mở cửa trở lại từ hồi đầu năm nay, nhưng xuất khẩu sang thị trường này vẫn còn nhiều khó khăn. Hơn nữa, áp lực cạnh tranh sẽ ngày càng lớn, vì các nhà xuất khẩu và các thương gia nhiều nước cũng đang tập trung vào thị trường Trung Quốc sau mở cửa.

Xuất khẩu hàng hoá sang Trung Quốc gặp thách thức không nhỏ

Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài ngày 28.4, ông Trần Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) đã phác thảo bức tranh xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc.

Cụ thể, 3 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc đạt 11,9 tỉ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2022. So với hai tháng đầu năm 2023, tốc độ giảm đã chậm lại, trong đó tháng 1.2023 giảm 24,33% và tháng 2.2023 giảm 18,72%.

Điều này cho thấy tín hiệu tích cực trong tình hình xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Dự báo, trong quý II/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ có sự cải thiện nhất định.

Lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cũng cho rằng, còn nhiều cơ hội cho hàng hoá Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang Trung Quốc. Hoạt động thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục ổn định, hiệu suất thông quan nâng cao.

Tại một số địa phương có các cửa khẩu biên giới quan trọng đối với thương mại song phương như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, lượng hàng hóa thông quan hàng ngày tương đương với giai đoạn trước dịch.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 4.2023. Ảnh: MOIT

Dù có yếu tố thuận lợi, nhưng theo ông Trần Quang Huy, thách thức cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này cũng sẽ không nhỏ.

Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với tiêu chuẩn hàng hóa cả xuất khẩu và nhập khẩu. Thời gian qua, chúng ta cũng đã từng bước thay đổi và thích nghi, nhưng phải thẳng thắn nhận "tốc độ còn rất chậm".

Đặc biệt với trái sầu riêng, Việt Nam đã được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc là tín hiệu đáng mừng, nhưng sự tăng trưởng quá nóng về quy mô, diện tích vùng trồng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Hơn nữa, trong cơ cấu xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, điện thoại và các loại linh kiện và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn, với giá trị lần lượt là 3,5 tỉ USD và 2,4 tỉ USD, chiếm 29,52% và 20,15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc.

Không phải hàng hóa nào thị trường Trung Quốc cũng chấp nhận

Ông Nguyễn Hữu Quân - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc, cho rằng việc phía Trung Quốc điều chỉnh theo hướng nới lỏng các quy định phòng dịch đã góp phần tạo thuận lợi khá lớn trong hoạt động thông quan.

Tuy nhiên, hạ tầng kết nối giao thông đến cửa khẩu và hạ tầng cửa khẩu biên giới phía Việt Nam hiện vẫn đang trong quá trình đầu tư, hoàn thiện.

Do vậy, rủi ro về việc ùn ứ hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, đặc biệt là tại khu vực cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn vẫn luôn hiện hữu khi nông sản, trái cây Việt Nam bước vào cao điểm vụ thu hoạch.

Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu cần cập nhật thông tin về tình hình cửa khẩu, chủ động dự báo các tình huống để có thỏa thuận với đối tác nhập khẩu trong việc phân luồng hàng hóa hợp lý, hạn chế tối đa thiệt hại do vấn đề ách tắc hàng hóa gây ra.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định: Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính như trước, không phải hàng hóa nào thị trường Trung Quốc cũng chấp nhận.

Mặt khác, kinh tế Trung Quốc dù lớn, nhưng chủ yếu vẫn xuất khẩu. Mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc rất tương đồng với Việt Nam, điều này vừa tạo ra lợi thế và thách thức đối với hàng hóa Việt Nam.

Bộ trưởng cũng lưu ý, chúng ta cần nhận diện đúng, trúng, kịp thời và đánh giá đúng cả thời cơ và thách thức về thị trường Trung Quốc hiện nay thì chúng ta mới có thể khai thác, phát huy các lợi thế trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn