MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhận diện rõ hiện tượng doanh nghiệp phá sản để "xù" nợ

TRÍ MINH LDO | 26/05/2023 16:10
Giới chuyên gia đề xuất cần quy định về tiêu chí mất khả năng thanh toán, để sửa đổi, bổ sung về căn cứ xác định doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản

Cụ thể, ngày 26.5, Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức Hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về hoàn thiện pháp luật phá sản doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay”. 

Theo đó, trong những năm gần đây, khuôn khổ pháp lý về phá sản doanh nghiệp ở nước ta đã bộc lộ những thiếu sót, lạc hậu, chưa đồng bộ, toàn diện.

Khuôn khổ pháp lý về phá sản còn nhiều lỗ hổng. Ảnh: Hải Nguyễn.

Số lượng văn bản còn nhiều, nội dung không ít quy định đã không còn theo kịp với sự phát triển của thực tiễn, đòi hỏi cần tiếp tục có những giải pháp khắc phục kịp thời. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế toàn cầu, không ít các doanh nghiệp, hợp tác xã Việt Nam đã và đang gặp những khó khăn và nguy cơ mất khả năng thanh toán.

Thông qua việc xác định doanh nghiệp, hợp tác xã có mất khả năng thanh toán hay không để Tòa án ra quyết định mở hay không mở thủ tục phá sản, TS Nguyễn Hải An - Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội - nêu quan điểm: Theo quy định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là đơn vị không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.

Việc doanh nghiệp, hợp tác xã có khoản nợ quá hạn 3 tháng là khá phổ biến, do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc không thanh toán các khoản nợ quá hạn như: Tình trạng khó khăn, mất cân đối tài chính tạm thời của doanh nghiệp, các bên có tranh chấp về chính khoản nợ đó. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể cố tình không chịu thanh toán nợ nhằm mục đích chiếm dụng vốn của chủ nợ. 

Do đó, tổng hợp ý kiến rà soát về Luật Phá sản, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có ý kiến hiện nay các căn cứ vẫn chưa rõ ràng và chính xác để xác định một doanh nghiệp, hợp tác xã thực sự lâm vào tình trạng “mất khả năng thanh toán” và khó để phân biệt với tình huống “không chịu thanh toán”.

Theo TS Nguyễn Hải An, cần quy định về tiêu chí xác định thật rõ ràng, cụ thể về mất khả năng thanh toán, để sửa đổi, bổ sung về căn cứ xác định doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản. 

Hơn nữa, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự hiện diện ngày càng nhiều của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng sẽ khiến các vấn đề pháp lý phát sinh từ các trường hợp phá sản ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp hơn.

Các trường hợp phá sản liên quan đến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đòi hỏi phải áp dụng các quy định mà các vụ việc thông thường không phát sinh như vấn đề công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của toà án, trọng tài nước ngoài, xác định người phải thi hành trong nước, nước ngoài, xác định pháp luật áp dụng, xác định thẩm quyền của quản tài viên trong việc quản lý giám sát tài sản của doanh nghiệp bị phá sản khi doanh nghiệp bị phá sản ở nước ngoài có công ty con tại Việt Nam...

Trước đó, theo Tổng cục Thống kê, trong quý I năm nay, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 12.766 doanh nghiệp, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2022; và số doanh nghiệp giải thể là 4.617 doanh nghiệp, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn