MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều địa phương đang nhân rộng mô hình sáng tạo, giảm nghèo bền vững, tạo sinh kế cho các hộ nghèo, cận nghèo. Ảnh: Thu Giang

Nhân rộng mô hình sáng tạo, giảm nghèo bền vững

THU GIANG LDO | 27/11/2023 12:00

Nhiều tỉnh thành, địa phương trên cả nước thời gian vừa qua đã tích cực tổ chức các chương trình, nhân rộng mô hình, giúp hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hàng loạt mô hình ý nghĩa

Ông Trần Đình Toàn - Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) - cho biết, những năm qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai nhiều mô hình giảm nghèo, với nhiều ngành nghề từ trồng trọt, chăn nuôi đến tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh, buôn bán nhỏ. Các hộ nghèo cũng được hỗ trợ đào tạo nghề để có việc làm phù hợp.

Theo ông Trần Đình Toàn, việc phát triển kinh tế là giải pháp căn cơ, huyện Châu Đức thời gian qua đã tập trung phát triển các mô hình trồng trọt và chăn nuôi tiềm năng. Ngoài nguồn vốn từ ngân sách, huyện còn huy động nhiều nguồn lực trong xã hội để giúp hộ nghèo tăng nguồn vốn, triển khai mô hình hiệu quả.

Với sự hỗ trợ của chính quyền và sự nỗ lực của hộ nghèo, đến cuối năm 2022, huyện Châu Đức đã không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia, tỉ lệ hộ nghèo chuẩn tỉnh giảm còn 1,51% dân số. Huyện Châu Đức đang phấn đấu đến cuối năm 2023 không còn hộ nghèo theo chuẩn tỉnh. Từ hình thức đầu tư trực tiếp, các mô hình này đã giúp hộ nghèo có phương tiện sản xuất, mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững, tiến tới thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, trong giai đoạn 2022 - 2025, mỗi năm tỉnh dành khoảng 3 tỉ đồng để thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo.

Theo báo cáo của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Phú Yên đã triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, góp phần tạo điều kiện cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững, bình quân tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 0,7 - 1%/năm.

Ông Trương Ngọc Tuấn - Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh Phú Yên - thông tin, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã đề ra các chủ trương, giải pháp thiết thực, thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo.

Đến nay đã có hàng trăm mô hình được các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Yên triển khai và nhân rộng, trở thành việc làm thường xuyên, hằng ngày của các tập thể và cá nhân, tạo sức lan tỏa trong xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng như mô hình “Cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo”, “Mỗi khu dân cư đóng góp, trợ giúp 1 hộ nghèo được vay Quỹ Vì người nghèo không tính lãi để sản xuất, kinh doanh thoát nghèo bền vững”...

Nhiều tỉnh thành, địa phương trên cả nước đang nhân rộng mô hình kinh tế giúp hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo ổn định cuộc sống. Ảnh: Thu Giang

Hỗ trợ chính sách giảm nghèo liên tục, thường xuyên

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Lê Văn Thanh, để giảm nghèo bền vững, chính sách giảm nghèo phải theo hướng hỗ trợ có điều kiện, từng bước xóa bỏ chính sách “cho không”, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vừng giai đoạn 2021 - 2025.

Lãnh đạo Bộ LĐTBXH nêu rõ, hệ thống cơ chế, chính sách giảm nghèo đã được ban hành đồng bộ, toàn diện. Các chính sách giảm nghèo thường xuyên đã góp phần hỗ trợ cho người nghèo tiếp cận hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản, chính sách tín dụng xã hội đã hỗ trợ người dân vay vốn để tổ chức sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tạo sinh kế, nguồn lực xã hội hóa góp phần hỗ trợ người dân giải quyết một số nhu cầu cấp thiết như nhà ở, sinh kế, cải thiện đời sống.

Lãnh đạo Bộ LĐTBXH cho biết, ước tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93% (giảm 1,1%), tỉ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%), tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

Dự kiến cuối năm 2023, có thêm 9 xã đặc biệt khó khăn được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tổng cộng 10/54 xã, đạt khoảng 18,5% so với mục tiêu 30% theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn