MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sản xuất, nghỉ ngơi của người lao động trong giai đoạn mới cần đảm bảo an toàn dịch bệnh. Ảnh: Đức Long

Nhanh chóng bỏ tư duy “zero F0”

Vũ Long LDO | 27/09/2021 20:15
Việt Nam chuyển sang giai đoạn chống dịch COVID-19 song song với sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Để làm được điều này, cần thay đổi tư duy và giải pháp.

Nhanh chóng bỏ tư duy “zero COVID-19”

“Nếu chúng ta chỉ tập trung chống dịch thì chúng ta hết nguồn lực; ngược lại, chỉ tập trung phát triển kinh tế, không có giải pháp chống dịch thì chúng ta không bảo vệ được sức khỏe của nhân dân" – ngày 26.9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo rõ. Như vậy, Việt Nam đã chuyển sang thời kỳ mới, thực hiện song song 2 nhiệm vụ: Vừa chống dịch thành công, vừa tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Đồng nghĩa với điều này, nhiều chính sách cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.

Trao đổi với PV Lao Động, TS Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT) cho rằng: Chủ trương của Thủ tướng Chính phủ hiện nay là đúng đắn, vì thực tế chúng ta không còn cách nào khác khi các doanh nghiệp đã gần như kiệt quệ. 

“Thủ tướng đã chỉ đạo như vậy, nhưng cần sự nhất quán từ trên xuống dưới để chuyển đổi theo tình hình mới. Vừa qua, 14 hiệp hội đề  nghị kiểm soát dịch theo “điểm” và nên có những tiêu chí cụ thế. Ví dụ như, TPHCM vẫn có các ca F0, nếu mở sẽ lây nhiễm. Vì vậy, phải có hướng dẫn về thời gian chuyển đổi, tính chỉ số tiêm vaccine và chỉ số người bệnh để xác định xem nên mở đến đâu, chống dịch như thế nào thì phải thống nhất từ trên xuống” – TS Nguyễn Thị Hồng Minh cho hay.

TS Minh cho rằng, cần rời bỏ hoàn toàn tư duy "zero COVID" vì không còn phù hợp nữa. Giai đoạn hiện nay phải tạo điều kiện cho DN hoạt động trở lại, phải kiểm soát dịch bệnh, có ca F0 ở phân xưởng nào thì chỉ đóng phân xưởng đó, những nơi an toàn vẫn sản xuất bình thường, thực hiện tốt 5K, ai đã được tiêm 2 mũi thì được cho về, không bắt người lao động ngủ tại phân xưởng nhiều tháng liền, vượt quá sức chịu đựng và ảnh hưởng đến tâm, sinh lý của người lao động.

"Các tỉnh cần thống nhất các tiêu chí, tỉ lệ số ca F0/100 dân thì xử lý như thế nào, tỉ lệ bao nhiêu người thì phải báo động, giãn cách. Rõ ràng cần một chỉ thị mới, bởi hiện nay Chỉ thị 15, 16 không còn phù hợp nữa" - bà Minh nói thêm. 

"Đơn giản hóa" và mở rộng điểm test COVID-19

TS Nguyễn Thị Hồng Minh cho rằng, muốn DN hoạt động trở lại, ngoài tạo điều kiện thông thoáng, cần có những chính sách, quy định mới không là đứt gãy nguồn nhân lực. Một trong những giải pháp đó là mở rộng và "đơn giản hóa" việc test COVID: Người dân có thể tự test COVID.

Để tiện trong test COVID-19 thì điểm test phải rộng khắp nơi, ví như cách làm ở Bỉ, các tiệm thuốc đều được quyền test COVID cho mọi người dân và giúp họ công bố thông tin trên mạng. Áp dụng ở Việt Nam, cần phải có “app” thống nhất để người dân đăng thông tin kết quả test COVID lên đó.

“Nếu nhà máy test, gia đình test mà y tế không công nhận kết quả, vẫn phải phải báo để y tế đến xem thì biết bao giờ mới làm được. Phải tổ chức đại trà, người dân có thể vào bất kỳ tiệm thuốc nào để test, hoặc nhà máy tổ chức test rồi công bố thông tin lên app. Vấn đề quan trọng là kit thử cũng nên bán rẻ thôi, không nên đặt vấn đề thương mại vào đây” – bà Minh nêu rõ.

Đại diện 14 hiệp hội, ngành hàng cũng đề nghị Chính phủ tăng tốc nhanh và mạnh hơn nữa việc tiêm vaccine phòng COVID để người lao động đi làm bình thường trở lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn