MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khẩn trương xây dựng cơ chế thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu. Ảnh: Hải Nguyễn

Nhanh chóng có cơ chế trước hạn thuế tối thiểu toàn cầu

ĐÌNH TRƯỜNG LDO | 14/03/2023 11:00

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 31 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2. Trong đó yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn tất việc nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo tổng thể về cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3.

Sẽ áp dụng từ năm 2024

Thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến sẽ được thực thi từ năm 2024. Đây là thoả thuận đa phương với sự tham gia của hơn 140 quốc gia trên toàn thế giới, với mức thuế tối thiểu thống nhất là mức 15%, đối với các tập đoàn đa quốc gia lớn.

Vào cuối năm 2022, Liên minh Châu Âu (EU) đã chính thức thông qua kế hoạch áp dụng thuế suất tối thiểu 15% từ 2024. Quốc hội Hàn Quốc cũng đã thông qua Đạo luật điều chỉnh Thuế trong đó sẽ áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu từ 2024. Chính phủ Nhật Bản cũng đã thông báo Dự thảo cải cách thuế, tiến tới việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm tài chính 2024.

Đây là các quốc gia có nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam và do đó, việc chính thức áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có tác động trực tiếp tới nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoài (FDI) tại Việt Nam, có thể làm ảnh hưởng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư nước ngoài.

Để hình dung dễ hiểu hơn, với mức thuế suất tối thiểu 15%, giả sử một công ty đa quốc gia có doanh thu trên 750 triệu Euro đầu tư tại Việt Nam đang nộp khoản thuế khoảng 12%, số còn lại khoảng 3% họ sẽ phải nộp về quốc gia đặt trụ sở chính. Điều này đồng nghĩa, thuế tối thiểu toàn cầu có thể sẽ làm giảm sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Các doanh nghiệp vẫn phải nộp bổ sung phần thuế chênh lệch cho nên các biện pháp ưu đãi thuế sẽ không còn nhiều ý nghĩa. 

Trong khi đó, GS-TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - lại cho rằng, thuế tối thiểu toàn cầu là cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Bởi theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nếu áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15% với các công ty có doanh thu 750 triệu Euro trở lên sẽ giúp các nước không còn phải áp dụng các giải pháp để chống chuyển giá hay lợi dụng các "thiên đường thuế" để trốn thuế. 

Ông Mại cho biết, Việt Nam có hơn 26.000 doanh nghiệp FDI đang hoạt động, trong đó có khoảng hơn 200 doanh nghiệp có doanh thu 750 triệu Euro. Hầu hết các doanh nghiệp này đang hưởng ưu đãi thuế do Việt Nam ban hành thấp hơn thuế tối thiểu toàn cầu nên cơ quan chức năng cần nhanh chóng có những khung pháp lý phù hợp trong diễn biến mới. 

Trong khi đó, ở một toạ đàm gần đây về vấn đề này, theo ông Thomas McClelland - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Dịch vụ Tư vấn thuế Deloitte Việt Nam - Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế này, bởi nếu Việt Nam không áp dụng, các công ty này vẫn sẽ bị đánh thuế bổ sung ở đất nước khác nơi mà họ đang hoạt động, tức khoản thuế đó không về Việt Nam mà sang nước khác. Vị này ví câu chuyện giống như "một phần bánh ngọt có thể mất đi và người khác sẽ ăn nó".  

Vẫn có những tác động tích cực 

Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia và Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC) - cho rằng: Khi đưa ra các kiến nghị để ứng xử với thuế suất tối thiểu toàn cầu cho rằng, cần sớm ban hành, điều chỉnh các chính sách về thuế, kế toán phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Vị chuyên gia này kiến nghị cần nghiên cứu kỹ các quy tắc và hướng dẫn của tổ chức các nước phát triển (OECD), xem xét xây dựng và ban hành quy định chính sách thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn như là một cơ chế phản ứng nhanh để bảo vệ quyền đánh thuế thay vì nhường quyền đánh thuế cho các quốc gia khác.

TS Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam cần rà soát và thay đổi chính sách thu hút FDI theo hướng tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh từ các yếu tố như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ đào tạo lao động có kỹ năng, cơ sở hạ tầng, phát triển hệ thống các doanh nghiệp vệ tinh, phụ trợ...

Trước đó, theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, thuế tối thiểu toàn cầu cũng mang lại một số thuận lợi, cơ hội cho Việt Nam, cơ hội khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm tăng thu cho ngân sách Nhà nước trong nước. Những dự án đang hoạt động tìm giải pháp ưu đãi tiếp tục, nhưng biện pháp dài hạn buộc phải nâng thuế suất tối thiểu lên 15%, giúp tăng thuế và chúng ta sẽ thu hàng trăm nghìn tỉ từ bỏ ưu đãi. Đây cũng là cơ hội nâng cao hiệu quả đầu tư, theo quy hoạch, định hướng phát triển, cân đối hài hoà đầu tư, trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn