MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuyển đổi năng lượng là vấn đề cấp bách của Việt Nam. Ảnh: Cường Ngô

Nhập khẩu điện, than và dầu thô khiến Việt Nam tăng sự phụ thuộc nước khác

Cường Ngô LDO | 14/06/2023 13:33

TS Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, trữ lượng và sản lượng sản xuất ngày than, dầu thô và khí suy giảm hằng năm. Yêu cầu nhập khẩu điện ngành càng lớn làm giảm khả năng tự chủ về năng lượng, tăng sự phù thuộc vào các nền kinh tế khác.

Cần hình thành các trung tâm công nghiệp năng lượng tái tạo

Sáng 14.6, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ ngành tổ chức Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 năm 2023 với chủ đề "Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong tình hình mới".

Tại hội thảo chuyên đề 3: "Xu hướng công nghệ và giải pháp phát triển ngành công nghiệp năng lượng của Việt Nam trong chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá đến năm 2030, tầm nhìn 2045", TS Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Quy hoạch Điện VIII đã xác định mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030, khoảng 6,5 - 7,5%/năm trong giai đoạn 2031 – 2050;

Ông Hiển khẳng định, Quy hoạch Điện VIII đặt ra yêu cầu Việt Nam cần hình thành các trung tâm công nghiệp năng lượng tái tạo, tạo lập hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo hoàn chỉnh, gắn với sản xuất chế tạo, dịch vụ phụ trợ, các khu công nghiệp tập trung.

Việt Nam cần tập trung phát triển ngành công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, lưu trữ điện năng, công nghệ thu hồi, hấp thụ, lưu trữ và sử dụng các-bon... trong nước để chủ động khai thác tiềm năng sẵn có của nước ta, tăng tính độc lập tự chủ, giảm giá thành sản xuất điện từ năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần khuyến khích các doanh nghiệp trong nước thực hiện các công trình dự án điện phức tạp, kỹ thuật cao. Nâng cao năng lực thiết kế, tổ chức mua sắm, quản lý điều hành dự án của các doanh nghiệp trong nước, đủ khả năng đảm nhiệm vai trò tổng thầu các dự án điện quy mô lớn.

TS Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương

Về thách thức, đại diện Ban Kinh tế Trung ương cho rằng nhu cầu năng lượng đang phát triển rất nhanh. Tuy nhiên, ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam cũng đang gặp một số vấn đề như nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch.

"Trữ lượng và sản lượng sản xuất ngày than, dầu thô và khí suy giảm hằng năm. Yêu cầu nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn là một vấn đề trong tình hình phát triển của ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam vì nó làm giảm khả năng tự chủ về năng lượng, tăng sự phù thuộc vào các nền kinh tế khác", ông Hiển nói.

Theo Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, tình hình phát triển của ngành công nghiệp năng lượng thế giới thời gian qua cho thấy có sự chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp năng lượng với sự thay đổi của các chính sách, cơ cấu, công nghệ: từ sản xuất, tiêu thụ các nguồn nhiên liệu hóa thạch truyền thống (than, dầu, khí tự nhiên) sang các nguồn năng lượng tái tạo bền vững (gió, mặt trời, sinh khối...).

Để đạt được mục tiêu của ngành năng lượng vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, ông Nguyễn Đức Hiển cho rằng, cần thiết phải sớm có những cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp năng lượng của Việt Nam trong bối cảnh mới; đồng thời nâng cao được năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp năng lượng thuộc mọi thành phần kinh tế.

Việt Nam cần tạo ra sự chủ động về năng lượng để đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ để đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050.

Có cơ chế mua bán chéo phần năng lượng mặt trời dư thừa

Một trong những điểm đáng chú ý của Quy hoạch điện VIII là đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 50% tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu dùng tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).

Tuy nhiên, ông Lê Nho Thông - Phó Giám đốc kinh doanh Công nghệ năng lượng số của Huawei Việt Nam cho biết, doanh nghiệp này từng thực hiện các dự án điện mặt trời ở Việt Nam cho các khách hàng ở khu công nghiệp và trung tâm thương mại, trong đó có 2 dự án lớn ở miền Bắc và Phú Quốc.

"Mặc dù Quy hoạch Điện VIII khuyến khích sử dụng điện mặt trời tự sản, tự tiêu, nhưng việc nâng cao sử dụng tối đa điện mặt trời phát ra là điều rất quan trọng. Nếu không phát lên lưới thì phải có hệ thống lưu trữ.

Việc lưu trữ năng lượng hiện nay có nhiều khó khăn nhất định cho doanh nghiệp vì chi phí đầu tư rất lớn. Vì vậy, có thể cân nhắc đưa ra một số chính sách khuyến khích như mua một phần sản lượng điện mặt trời phát ra với công suất khoảng 20-30%.

Đồng thời cho các doanh nghiệp, nhà máy trong khu công nghiệp tự mua bán lẫn nhau, có cơ chế mua bán chéo phần năng lượng dư bởi nếu để tự sản tự tiêu thì không hay và rất lãng phí", ông nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn