MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việt Nam cam kết đảm bảo minh bạch nguồn cung nguyên liệu gỗ, nhập khẩu gỗ có nguồn gốc. Ảnh minh họa: Vũ Long

Nhập khẩu gỗ nhiệt đới làm nguyên liệu: Cảnh giác với nguồn cung rủi ro

Vũ Long LDO | 19/04/2021 07:30

Do nguồn cung thiếu hụt, hằng năm, Việt Nam phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu để phục vụ sản xuất. Nguy cơ rủi ro từ gỗ nhập khẩu rất lớn.

Nhập khẩu gỗ có xu hướng tăng mạnh

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), ngành gỗ Việt Nam mở rộng trong bối cảnh nguồn cung gỗ nguyên liệu trong nước không đủ đáp ứng cho nhu cầu chế biến phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ đóng cửa rừng tự nhiên, nguồn cung gỗ nguyên liệu trong nước chủ yếu là nguồn rừng trồng, bao gồm khai thác gỗ rừng sản xuất khoảng 32 triệu mét khối.

Tuy nhiên, hiện nay, có đến 60-70% lượng gỗ keo rừng trồng là gỗ nhỏ, được đưa vào nguyên liệu đầu vào sản xuất dăm, viên nén và một số loại ván. Phần nguyên liệu còn lại là gỗ lớn, được đưa vào chế biến các mặt hàng đồ gỗ như đồ gỗ văn phòng, phòng ngủ chủ yếu để phục vụ xuất khẩu.

Nguồn cung trong nước không đủ cung cấp cho chế biến, khiến hằng năm Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 4-5 triệu mét khối gỗ quy tròn. Lượng gỗ này được đưa vào chế biến thành các sản phẩm xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Trong đó, nhập khẩu gỗ nhiệt đới, hay còn gọi là gỗ rừng tự nhiên, chiếm tỉ lệ khá lớn trong khối nguyên liệu của ngành gỗ. Bình quân mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 2-2,5 triệu mét khối gỗ tròn và xẻ quy tròn là gỗ nhiệt đới. Lượng nhập từ nguồn này chiếm khoảng 40-50% trong tổng lượng gỗ nhập vào Việt Nam từ tất cả các nguồn.

Việt Nam cam kết sử dụng nguồn gỗ hợp pháp

Theo Viforest, Hiệp định VPA/FLEGT có hiệu lực ngày 1.6.2019, tham gia Hiệp định, Chính phủ Việt Nam cam kết kiểm soát tính hợp pháp của toàn bộ chuỗi cung. Triển khai các cam kết trong VPA, ngày 1.9.2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/NĐ-CP quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (sau đây được gọi tắt là Nghị định 102), hiệu lực thi hành từ ngày 30.10.2020.

Nghị định 102 quy định, gỗ nhập khẩu vào Việt Nam được coi là rủi ro nếu loài gỗ nằm trong Phụ lục của Công ước CITES, hoặc gỗ nằm trong nhóm IA, IIA thuộc Danh mục các loài thực vật, động vật nguyên cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; gỗ lần đầu tiên được nhập khẩu vào Việt Nam; gỗ có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng tại các quốc gia khai thác.

Mặt khác, theo Quyết định số 4832 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trừ Nam Phi, toàn bộ quốc gia thuộc khu vực Châu Phi cung gỗ nguyên liệu cho Việt Nam không nằm trong danh sách vùng địa lý tích cực.

"Toàn bộ quốc gia thuộc khu vực Nam Mỹ, Lào, Campuchia và Papua New Guinea cũng không nằm trong danh sách này. Điều này có nghĩa rằng, trừ Nam Phi, tất cả nguồn cung gỗ nhiệt đới cho Việt Nam đều được coi là gỗ rủi ro" - TS Tô Xuân Phúc, Chuyên gia cao cấp của Tổ chức Forest Trends, thông tin.

Khảo sát của nhóm nghiên cứu của Tổ chức Forest Trends và các Hiệp hội gỗ trên cả nước cho thấy: Lượng gỗ rủi ro nhập khẩu vào Việt Nam khá lớn. Trong khâu kiểm soát nhập khẩu, các hoạt động kiểm soát của các cơ quan chức năng theo tinh thần của Nghị định 102 đang gặp khó khăn, chủ yếu là do thiếu thông tin về chuỗi cung gỗ xuất khẩu tại các quốc gia cung cấp gỗ cho Việt Nam; các rủi ro đối với luồng cung nhập khẩu này vẫn đang tồn tại, chưa được giải quyết triệt để.

Ngày 20.3, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp với Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình định, Tổ chức Forest Trends tổ chức hội thảo “Kiểm soát tính hợp pháp của nguồn gốc gỗ nhiệt đới nhập khẩu” chia sẻ thông tin về các vấn đề này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn