MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhập siêu trong 6 tháng đầu năm không đáng lo ngại vì chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu sản xuất. Ảnh: Ngọc Hân

Nhập siêu 1,47 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm tạo đà xuất khẩu cuối năm

Vũ Long LDO | 08/07/2021 19:00

Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định: Nhập siêu không đáng ngại vì chủ yếu nhập nguyên vật liệu sản xuất, phục vụ xuất khẩu theo đơn hàng đã ký.

1,47 tỉ USD nhập siêu: Chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu sản xuất

Theo Bộ Công Thương, hoạt động thương mại của Việt Nam trong nửa đầu năm 2021 đạt tốc độ tăng trưởng cao bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong 6 tháng đầu năm đạt 314,73 tỉ USD, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 157,63 tỉ USD, tăng 27,6%; kim ngạch nhập khẩu tăng 35,2%, ước đạt 158,1 tỉ USD.

Như vậy, trong nửa đầu năm nay, Việt Nam đã nhập siêu 1,47 tỉ USD, trái ngược so với con số xuất siêu 5,87 tỉ USD của cùng kỳ năm 2020.

Mặc dù nhập siêu nhưng không đáng lo ngại, bởi chúng ta nhập khẩu các mặt hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước, thường tăng cao trong những tháng đầu năm và giảm dần vào cuối năm.

Trong 6 tháng đầu năm nay, nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) chiếm 88,1% tổng kim ngạch nhập khẩu với 139,3 tỉ USD, tăng 34,8% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, sự phục hồi của các mặt hàng công nghiệp chế biến đã kéo theo nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất của các ngành này tăng: Nhập bông tăng gần 26,9%, nhập xơ sợi dệt tăng 38,1%, nhập vải tăng 32,3%, nhập nguyên phụ liệu dệt may tăng 34,2%...

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết, so với kim ngạch xuất khẩu, con số xuất siêu chỉ chiếm khoảng 1%. Đây là con số là bình thường, chưa phải là yếu tố đáng ngại, đặc biệt khi nhìn vào các yếu tố để tạo nên mức nhập siêu này.

“Các mặt hàng nhập khẩu nhiều trong thời gian qua chủ yếu là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất của các ngành linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu trong ngành da giày, dệt may... Đây cũng là các lĩnh vực sản xuất đang có sự phục hồi nhanh chóng khi các thị trường nhập khẩu phục hồi. Nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày đã có đơn hàng tới hết quý III, thậm chí quý IV năm nay, nên nhập khẩu nguyên phụ liệu tăng” - ông Trần Thanh Hải cho biết.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng nhận định: Nhập siêu trong 6 tháng đầu năm 2021 không đáng lo ngại vì tỉ trọng chỉ bằng 7-8% của kim ngạch xuất khẩu 6 tháng.

“Nó cho thấy quy luật bình thường do cầu nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng tăng lên, tổng cầu tăng tạo nền tảng tăng trưởng cao thời gian tới mặc dù có dịch bệnh.

Đây cũng là tín hiệu cho thấy, cần nỗ lực tăng xuất khẩu để lấy lại cân bằng thông qua cải tiến và nâng cao chất lượng, giá trị hàng xuất khẩu, tận dung triệt để ưu đãi cam kết trong hiệp định thương mại tự do đã ký kết”- PGT.TS Nguyễn Thường Lạng nói.

Nỗ lực vượt qua đại dịch để xuất khẩu bật tăng cuối năm

Điểm tựa đáng lạc quan là hoạt động xuất khẩu 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước và khá bền vững dựa vào tăng trưởng đồng đều ở tất cả ngành hàng quan trọng như điện tử, dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, nông sản... và ở các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, chu kỳ xuất khẩu thường sẽ tăng tốc trong giai đoạn nửa cuối năm, vì vậy cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 tại một số tỉnh thành phố xuất khẩu trọng điểm như Bắc Giang, Bắc Ninh và mới đây nhất là TPHCM đã ảnh hưởng không nhỏ đến lĩnh vực chế biến, chế tạo - nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Để phát triển sản xuất, kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 phức tạp, các doanh nghiệp đã tự tìm lối đi riêng. Theo ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, xã hội dùng khái niệm “bình thường mới” để chỉ hàng loạt những thay đổi về mọi mặt đời sống mà người dân phải làm quen trong dịch COVID-19.

“Còn “bình thường mới tại May 10”, có nghĩa là nếu trước kia chúng tôi lập kế hoạch theo quý, theo tháng, thậm chí cho cả năm, thì bây giờ kế hoạch có thể thay đổi từng ngày, từng giờ tùy theo diễn biến thực tế” - ông Thân Đức Việt nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn