MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều chuyên gia cho rằng, nhập siêu cao có thể do nhu cầu nguyên liệu sản xuất tăng. Ảnh m inh họa: Vũ Long

Nhập siêu cao trong 5 tháng đầu năm: Nhu cầu nguyên liệu sản xuất tăng

Vũ Long LDO | 05/06/2021 19:13
Một số chuyên gia cho rằng, nhập siêu cao chưa hẳn đáng lo ngại, có thể là dấu hiệu sản xuất, kinh doanh đang phục hồi.

Hoạt động xuất nhập khẩu nhiều khó khăn

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung 5 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 130,94 tỉ USD, nhập khẩu đạt 131,31 tỉ USD. Do nhập khẩu tăng cao hơn xuất khẩu nên xuất siêu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 131 triệu USD, thấp hơn nhiều so với con số 3,87 tỉ USD của cùng kỳ năm 2020.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm 2021 vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản như: Việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn; nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhu cầu thị trường chưa hồi phục đồng đều; chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao; các thị trường xuất khẩu nông, thủy sản liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm...

Đặc biệt, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 5.2021 chịu tác động mạnh của làn sóng dịch COVID-19 bùng phát đợt mới trong nước khiến hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp tại một số tỉnh bị ảnh hưởng.

Ước tính kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm so với tháng trước và Việt Nam nhập siêu tháng thứ 2 liên tiếp.

Nhập siêu chưa hẳn đã đáng lo ngại

Trong 5 tháng đầu năm 2021, nhập siêu vẫn chủ yếu đến từ khối doanh nghiệp trong nước với kim ngạch 11,86 tỉ USD. Ngược lại, khối doanh nghiệp FDI xuất siêu gần 12 tỉ USD.

Nhiều chuyên gia cho biết, xuất khẩu quá phụ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài (DN FDI) trong khi nhập siêu lại là những mặt hàng không có tác động thúc đẩy sản xuất. Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, nhiều ý kiến cho rằng, nhập siêu chưa hẳn là đáng lo ngại, thậm chí đây là tín hiệu tươi sáng hơn về khả năng hồi phục kinh tế.

Trao đổi với PV Lao Động, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), phân tích: Theo số liệu thì hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu, linh phụ kiện; một phần nhỏ là hàng tiêu dùng nhập khẩu.

Còn đối với doanh nghiệp trong nước, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên cần nhập máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu, linh phụ kiện về để hình thành tài sản cố định và sản xuất, lắp ráp các sản phẩm, hàng hoá.

Tất nhiên, nếu hình thành tài sản cố định thì đó là tài sản tăng thêm trong nước. Nếu là để lắp ráp, sản xuất sản phẩm, hàng hóa, thì một phần rất lớn để tiêu dùng trong nước, do doanh nghiệp nhỏ và vừa trình độ công nghệ và khả năng có hạn, chỉ có thể sản xuất và cung cấp các sản phẩm, hàng hóa với số lượng và chất lượng có hạn.

Một số ít các doanh nghiệp nhập khẩu vật tư, nguyên vật liệu để sản xuất hàng xuất khẩu, nên nhập khẩu của DN nội thường lớn hơn xuất khẩu nhiều. Cộng thêm hàng tiêu dùng nhập khẩu thì rõ ràng xuất khẩu của các doanh nghiệp nội càng nhỏ hơn nhiều, nên nhập siêu là đúng” – PGS-TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Cũng theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, các doanh nghiệp FDI nhập nguyên, vật liệu, linh phụ kiện để lắp ráp, sản xuất, kinh doanh để xuất khẩu là chính, lượng tiêu thụ nội địa ít; giá xuất khẩu lớn hơn nhập khẩu nhiều.Vì vậy FDI luôn xuất siêu.

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), cũng đưa ra nhận định: Khả năng nhập siêu là do kinh tế phục hồi, các doanh nghiệp tăng nhập khẩu để đầu tư.

“Tuy nhiên, cũng cần đặt tính huống là có thể là do giá nguyên vật liệu tăng nên các doanh nghiệp tăng tích trữ nguyên vật liệu để hưởng lợi về giá cho quý sau” - TS Nguyễn Đức Độ lưu ý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn