MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhập siêu giảm từ 2,7 tỉ USD xuống còn 2,4 tỉ USD trong 7 tháng

Vũ Long LDO | 11/08/2021 20:36
Trong 7 tháng đầu năm, nhập siêu đã giảm xuống mức 2,4 tỉ USD so với mức 2,7 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm 2021.

Theo Bộ Công Thương, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu trong 7 tháng năm 2021 đạt trên 375 tỉ USD. Trong đó, lũy kế hết tháng 7.2021, xuất khẩu cả nước đạt 186,35 tỉ USD tăng 26,2% so với cùng kỳ 2020. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu 7 tháng năm 2021 đạt 188,76 tỉ USD.

Như vậy, trong 7 tháng đầu năm, nhờ kết quả xuất khẩu đáng khích lệ trong tháng 7.2021 với kim ngạch đạt 27,86 tỉ USD, tăng trưởng 2,4% so với tháng 6.2021, đã kéo mức nhập siêu 2,7 tỉ USSD 6 tháng đầu năm xuống còn 2,4 tỉ USD trong 7 tháng đầu năm 2021. Nhập siêu đã giảm 300 triệu USD so với tháng trước đó.

Trong 7 tháng, có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 90,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó, có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD, chiếm 57,8%. Điện thoại và linh kiện là 2 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 29,4 tỉ USD, chiếm 15,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 27,4 tỉ USD, tăng 16,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 19,7 tỉ USD, tăng 55,4%; hàng dệt và may mặc đạt 18,6 tỉ USD, tăng 14,1%; giày dép đạt 12,1 tỉ USD, tăng 27,7%;

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,5 tỉ USD, tăng 53,7%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 6,5 tỉ USD, tăng 48,5%...

Các chuyên gia kinh tế nhận định, tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng cuối năm phụ thuộc rất nhiều đến tốc độ kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, nhưng các chuyên gia kinh tế cũng nhận định xuất khẩu cuối năm sẽ tăng mạnh hơn so với mức tăng trong 7 tháng vừa qua.

Bởi, theo PGS TS Nguyễn Thường Lạng (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân), trong hơn nửa đầu năm, các doanh nghiệp đã tăng cường nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ sản xuất, trả các đơn hàng xuất khẩu cuối năm, nên con số nhập siêu tăng cũng không có gì bất thường.

PGS TS Đinh Trọng Thịnh (Học Viện Tài chính) cũng lưu ý: Trong cơ cấu các mặt hàng hóa đã nhập khẩu, tỉ lệ nhập khẩu linh kiện, nguyên liệu sản xuất chiếm tỉ trọng lớn hơn các mặt hàng tiêu dùng.

"Nhập siêu cao, nhưng chủ yếu nhập nguyên liệu, phụ tùng phục vụ sản xuất, thì không đáng ngại" - PGS TS Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.

Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, xuất nhập khẩu hàng hóa nửa cuối năm được dự báo đối diện với những thuận lợi và thách thức đan xen. Tốc độ tăng trưởng kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam.

Nếu kiểm soát được dịch bệnh sớm trong tháng 8-9.2021, xuất khẩu sẽ tăng mạnh trở lại, đặc biệt là đối với các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như điện thoại, đồ điện tử, hàng dệt may, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn