MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động làm việc trong môi trường khổ cực, lắm gian truân nguy hiểm ở các công ty lâm nghiệp nhưng chế độ lương bỏng thấp. Ảnh: Phan Tuấn

Nhiều bất cập sau sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp

Phan Tuấn LDO | 18/06/2022 09:17

Đắk Nông, Đắk Lắk - Sau sắp xếp, đổi mới, tình trạng người lao động nghỉ việc ở các công ty lâm nghiệp ngày một nhiều, nên nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng đang bị lung lay dữ dội. Nguyên nhân là do mô hình còn bộc lộ nhiều bất cập, không được bố trí đủ nguồn vốn để hoạt động, sản xuất kinh doanh bị trì trệ, bộ máy làm việc thiếu hiệu quả...

Thiếu vốn, bộ máy cồng kềnh

Công ty lâm nghiệp Krông Bông, ở tỉnh Đắk Lắk đang quản lý, bảo vệ hơn 21.000ha rừng và đất rừng. Sau khi chuyển sang mô hình doanh nghiệp, tổng nguồn thu của đơn vị chỉ có 6,5 tỉ đồng từ tiền dịch vụ chi trả môi trường rừng.

"Đơn vị đã sử dụng 800 triệu đồng giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho các hộ dân. Với 5,7 tỉ đồng còn lại thì công ty trả lương cho 60 cán bộ, công nhân viên và đóng Bảo hiểm xã hội hết 5,1 tỉ đồng. Như vậy, công ty chỉ còn khoảng 700 triệu đồng sử dụng cho nhiều hoạt động như chi thường xuyên, văn phòng phẩm, xăng xe, thuế môn bài..." - ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty lâm nghiệp Krông Bông cho biết. 

Theo ông Tuấn, sau khi sắp xếp, đổi mới công ty chưa được bố trí khoảng 25 tỉ đồng vốn điều lệ như đề án thành lập để xây dựng vườn ươm cây giống trồng rừng, xây dựng nhà máy chế biến gỗ rừng trồng... Do không có vốn nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty khá èo uột, chỉ trông chờ vào tiền dịch vụ môi trường rừng để cầm cự, duy trì hoạt động trả lương cho người lao động. 

Ngoài việc không được bố trí đủ vốn điều lệ để sản xuất, kinh doanh, các công ty lâm nghiệp được cho là đang gánh thêm bộ máy cồng kềnh. Tìm hiểu thực tế ở nhiều đơn vị cho thấy, trung bình các công ty có từ 40-60 người với tổng kinh phí hàng năm khoảng 10 tỷ đồng chủ yếu sử dụng vào việc chi trả tiền lương. 

Phần lớn các công ty lâm nghiệp đồng quan điểm cho rằng, doanh nghiệp chỉ hoạt động đơn thuần là quản lý, bảo vệ rừng nếu có sản xuất, kinh doanh cũng chỉ có ở mức siêu nhỏ.

Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn thì bộ máy làm việc ở các công ty lâm nghiệp tỏ ra quá cồng kềnh. Nhất là vị trí kiểm soát viên được xem là "gánh nặng" vì chuyện lương thưởng khá lớn. Mặt khác, chủ tịch công ty là chức danh có vị trí cao nhất trong các công ty lâm nghiệp nên được hưởng lương, các chế độ "hậu hĩnh" nhất.

Hoạt động sản xuất èo uột, lương bỏng thấp nên danh sách người lao động nghỉ việc ở các công ty lâm nghiệp trên Tây Nguyên ngày một dài hơn. Ảnh: Phan Tuấn

"Điều đáng nói, nguồn trả lương là từ kết quả sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh ở các công ty lâm nghiệp này đều âm vì thiếu vốn hoạt động" - ông Trần Anh Sơn - Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Wing cho biết. 

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, Nhà nước mở cho công ty lâm nghiệp cơ chế mới, cho quyền như các doanh nghiệp khác để sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực.

Mặc dù được trao nhiều quyền nhưng các đơn vị này đang thiếu về nguồn lực, kinh phí và đội ngũ quản trị. Khi chuyển sang mô hình mới nhiều công ty  không có vốn hoạt động mà còn nợ tiền thuế đất.

"Bộ máy quản trị cũng bất hợp lý, doanh nghiệp phải có chủ tịch hội đồng quản lý, giám đốc, kiểm soát viên… làm dôi dư ra vị trí chủ tịch hội đồng và kiểm soát viên. Bởi vì, các công ty lâm nghiệp hiện nay cũng chỉ hoạt động công ích mà thôi, còn mảng sản xuất, kinh doanh chưa lớn, chưa nhiều, nên chưa cần thiết. Trong khi đó, nhiệm vụ bảo vệ rừng đang khó khăn thì lại thiếu thiếu hụt nguồn nhân lực" - ông Dương khẳng định. 

Người lao động nghỉ việc

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, Luật Lâm nghiệp và Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị nêu rõ rừng tự nhiên (rừng sản xuất) trong giai đoạn không khai thác, sử dụng thì Nhà nước có trách nhiệm đầu tư kinh phí, hoặc đặt hàng cho các công ty lâm nghiệp quản lý, bảo vệ rừng.

Thế nhưng, kinh phí cấp cho các công ty lâm nghiệp quản lý, bảo vệ rừng đã tăng lên 300 ngàn đồng/ha/năm nhưng thực tế chưa đáp ứng được 30% so với nhu cầu. Vì vậy, các công ty khó giữ chân người lao động gắn bó với mình.

Sau sắp xếp, đổi mới, các công ty lâm nghiệp trên Tây Nguyên chưa được bố trí đủ nguồn vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh: Phan Tuấn

Điển hình nhất phải kể đến Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông (Đắk Lắk), vài năm qua, người lao động xin nghỉ việc ngày một nhiều, với gần 30 người rời bỏ công ty.

"Áp lực công việc cao, người lao động phải làm việc 24/24h, thường xuyên đối mặt với nguy hiểm ở nơi rừng thiêng nước độc, nhưng lương thì rất thấp. Có những người đã làm việc 16 năm nay, mặc dù đã tham gia đóng Bảo hiểm xã hội nhiều năm nhưng do quá khổ cực, họ phải nghỉ việc giữa chừng, không thể cống hiến thêm được nữa. Nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng đang ngày càng gặp nhiều khó khăn” - ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Krông Bông buồn bã.

Không chỉ có người lao động nghỉ việc, mà các công ty làm nhiệm đang phải "gánh" nhiều khoản thuế. "Hoạt động kinh doanh chẳng có gì, đơn vị chủ yếu làm nhiệm vụ công ích giữ rừng. Nguồn thu chưa đủ trả lương cho người lao động nhưng hàng năm công ty vẫn phải đóng nộp ngân sách trên 150 triệu đồng thuế giá trị gia tăng, tiền thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp" - ông Phan Bá Nhã, Giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển Đại Thành (Đắk Nông) chia sẻ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn