MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chính phủ quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020 và các năm trước chuyển sang.Ảnh: LDO.

Nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn giải ngân dưới 35%

CAO NGUYÊN LDO | 22/08/2020 15:04

Bên cạnh một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân ước tính đến hết tháng 8 đạt trên 45%, vẫn còn 31 bộ, ngành và 13 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 35% và thậm chí 11 bộ, ngành giải ngân dưới 10%.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 là 630.239,9 tỉ đồng (gồm kế hoạch vốn các năm trước chuyển sang là 97.017,2 tỉ đồng, kế hoạch vốn nguồn NSNN năm 2020 là 533.222 tỉ đồng và kế hoạch vốn địa phương giao bổ sung 55.329,6 tỉ đồng). Tuy nhiên, sắp tới con số này có thể tăng do một số địa phương đang có điều chỉnh tăng thêm nguồn vốn.

Về tình hình thực hiện giải ngân, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, mức giải ngân trong 7 tháng đầu năm là 223.807 tỉ đồng, đạt 35,5% kế hoạch giao (tính trên kế hoạch 630.000 tỉ đồng). Ước tính đến 31.8.2020, mức giải ngân sẽ đạt 261.437,8 tỉ đồng, bằng 41,48% kế hoạch. Trong đó, vốn năm 2019 đạt 40,88%, vốn năm 2020 đạt 41,59% (trên tổng số 533.000 tỉ đồng). So với cùng kỳ năm ngoái, các con số này đều tích cực hơn.

Tuy vậy, bên cạnh một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân đến 31.8 đạt trên 45%, vẫn còn 31 bộ, ngành và 13 địa phương có tỷ lệ này dưới 35% và thậm chí 11 bộ, ngành giải ngân dưới 10%.

Đánh giá nguyên nhân tình trạng này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng: khó khăn trong giải phóng mặt bằng, tái định cư…

Đồng thời, Bộ trưởng cho biết Nghị định 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn ODA vừa qua có nhiều thay đổi, đặc biệt là các nội dung liên quan đến quy trình điều chỉnh hiệp định vay dẫn đến các bộ, địa phương, khiến các chủ dự án còn lúng túng trong quá trình triển khai dự án.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân trong khâu tổ chức thực hiện. Dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến việc thi công, huy động nhân lực, nguồn vốn của các dự án ODA

Một số dự án được bố trí kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 lớn song tỷ lệ giải ngân còn thấp như dự án về giải phóng mặt bằng cho sân bay Long Thành. Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài… nên chưa có khối lượng giải ngân.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, thời gian qua, thực hiện Quyết định số 1053/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, để thúc đẩy tiến độ giải ngân, Bộ Tài chính đã cử các đồng chí lãnh đạo tham gia các đoàn kiểm tra, đôn đốc giải ngân của Thủ tướng, của các bộ.

Đồng thời, bộ đã tổ chức đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm trưởng đoàn làm việc với 4 địa phương là Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn và Hải Dương.

Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn cụ thể được các địa phương báo cáo. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng có văn bản gửi các địa phương, bộ ngành về cam kết tiến độ giải ngân ODA, vay ưu đãi nước ngoài, bởi tiến độ hiện nay quá thấp, các địa phương trong quá trình triển khai nhiều khó khăn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn