MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn bộ mặt tiền của khách sạn này được cho thuê để làm cửa hàng tiện lợi 24h. Ảnh: Huân Cao

Nhiều chủ khách sạn ở TPHCM chuyển sang bán phở, nhận giữ trẻ

Huân Cao LDO | 13/10/2020 16:15

Trước tình hình kinh doanh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều chủ khách sạn ở TPHCM đã chuyển sang bán phở, bán sinh tố hoặc chuyển hướng kinh doanh để thích nghi với tình hình hiện nay.

Chủ khách sạn đi bán phở, bán sinh tố

Người thợ đang căng biển khai trương cửa hàng bán sinh tố, trái cây tô và ăn vặt trước mặt tiền của khách sạn. Ảnh: Huân Cao

Đứng nhìn người thợ căng tấm biển khai trương cửa hàng sinh tố và đồ ăn vặt, ông Nguyễn Văn Nam, chủ một khách sạn lớn trên địa bàn quận 12 (TPHCM) không nghĩ lại có ngày mình đi bán nước ép trái cây như hôm nay.

Ông Nam cho biết, cách đây 2 năm, ông đầu tư hàng chục tỉ đồng xây khách sạn để phục vụ cho thuê đối với chuyên gia Nhật Bản, Hàn Quốc...đến làm việc tại khu công nghiệp Tân Thới Hiệp (quận 12). Tuy nhiên, từ ngày dịch COVDID-19 xảy ra đến nay, những chuyên gia nước ngoài là khách quen không đến nữa, kinh doanh ế ẩm nên buộc ông phải chuyển đổi sang hình thức cho thuê phòng trọ theo tháng.

Để có thêm doanh thu, phía trước mặt tiền của khách sạn trước đây dùng làm bãi đỗ ô tô của khách, thì nay ông Nam tận dụng mở quán nước ép trái cây. Mặt tiền của khách sạn khang trang ngày nào, giờ nhìn vào chỉ thấy biển hiệu quán sinh tố và nước ép hoa quả.

Biển hiệu quán phở đã “lấn át” biển hiệu của khách sạn. Ảnh: Huân Cao

Cùng hoàn cảnh như ông Nam, bà Lê Thị Hà, chủ một khách sạn chuyên phục vụ cho khách Tây trên địa bàn quận 1, cho biết trước khi dịch xảy ra, khách quốc tế đến TPHCM du lịch rất đông, dẫn đến khách sạn luôn trong tình trạng kín phòng. Vào thời "hoàng kim" này, bà Hà chỉ tập trung đầu tư cho các phòng khách sạn ngày càng đẳng cấp phù hợp với nhu cầu của khách Tây.

Thế nhưng khi dịch xảy ra, kinh doanh ế ẩm bà Hà không còn tài chính để tập trung đầu tư trang thiết bị cho khách sạn nữa. Ngược lại, những diện tích nào của khách sạn không còn dùng đến thì bà tận dụng để kinh doanh lĩnh vực khác. Khu vực mặt tiền phía trước khách sạn trước đây được làm khu vực lễ tân, phòng khách và sảnh đón khách, thì nay được chuyển sang làm quán...bán phở.

"Kinh doanh ế ẩm, không có khách lưu trú, trong khi cứ đến tháng vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, tiền nhân viên, thuế, điện nước,...Trước tình cảnh khó khăn đó, tôi chuyển sang mở quán bán phở để kiếm được đồng nào hay đồng đó" - bà Hà nói.

Nhiều khách sạn thành cửa hàng tiện lợi, nhà giữ trẻ

Ngày 13.10, PV Báo Lao Động đã khảo sát các tuyến đường tập trung nhiều khách sạn tại một số quận ở TPHCM để ghi nhận về hoạt động chuyển hướng kinh doanh của những cơ sở lưu trú này.

Theo ghi nhận, có nhiều khách sạn đã chuyển sang kinh doanh nhà hàng, quán nhậu hoặc quán nước uống. Không ít khách sạn cho đơn vị khác thuê lại một phần mặt để mở văn phòng công ty, cửa hàng kinh doanh thời trang hoặc chuyển sang làm nhà trọ cho thuê theo tháng.

"Thấy khu vực này chưa có nhà trẻ, nên tôi quyết định cải tạo khách sạn thành trường mẫu giáo. Qua nhiều năm kinh doanh khách sạn, tôi không nghĩ là mình lại chuyển sang nghề trông trẻ thế này. Biết là sẽ khó, nhưng cũng phải thay đổi để thích nghi với tình hình kinh doanh trong thời điểm dịch bệnh hiện nay" - chủ khách sạn trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1 cho biết.

Toàn bộ mặt tiền khách sạn đã cho thuê lại để mở cửa hàng tiện lợi. Ảnh: Huân Cao

Đã 4 tháng nay, chủ khách sạn N.U trên đường Bùi Viện, quận 1 đã cắt toàn bộ tầng 1 mặt tiền của khách sạn để cho một đơn vị bán lẻ thuê lại mở cửa hàng tiện lợi. Quản lý khách sạn này cho biết, do việc kinh doanh tại khu phố Tây (phố đi bộ Bùi Viện) ngày càng khó khăn, để cầm cự được thì chủ khách sạn phải cho thuê lại để có tiền trang trải chi phí trong tháng.

Tương tự như vậy, ông Trịnh Văn Hậu - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Thịnh Phát (đơn vị quản lý 3 khách sạn trên địa bàn quận 3 và quận 1) cho biết, trước tình hình kinh doanh khó khăn, ban giám đốc khách sạn đã đem phần mặt tiền của các khách sạn cho thuê lại để có doanh thu.

"Cho họ thuê mở cửa hàng bán nước đậu nành hoặc bán thuốc tây, khách nhìn vào sẽ thấy khách sạn kém sang và giảm đi thương hiệu. Tuy nhiên, trong tình hình này chúng tôi buộc phải chuyển hướng kinh doanh thêm việc cho thuê mặt bằng thì mới có thêm nguồn tài chính để duy trì hoạt động"- ông Hậu nói.

Mặt tiền khách sạn được cho thuê bán nước đậu nành. Ảnh: Huân Cao

Thời gian qua đã có nhiều khách sạn phải đóng cửa, chấp nhận đầu hàng nhìn tiền tỉ đầu tư trôi theo dịch COVID-19. Tuy nhiên, vẫn có nhiều khách sạn chủ động tìm hướng đi mới trong kinh doanh để thích nghi với tình hình dịch bệnh có khả năng kéo dài hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn