MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kỹ sư Võ Tấn Phương thực hiện công việc tại phòng thí nghiệm

Nhiều công trình thanh niên của BSR có sức lan tỏa mạnh mẽ

Đ.C LDO | 31/03/2019 08:00

Là lực lượng nòng cốt trong nhiều hoạt động của đơn vị, nhiều năm qua, Đoàn Thanh niên Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã thực hiện nhiều chuyên đề sáng tạo, phát huy sức trẻ, đóng góp nhiều ý tưởng cải tiến kỹ thuật giúp nâng cao hiệu suất làm việc, tăng cường sản xuất tiết kiệm, ổn định, an toàn.

Nhiều ý tưởng nâng cao hiệu quả sản xuất

Đại diện Đoàn Thanh niên BSR cho biết, trong những năm qua, ĐTN BSR đã có nhiều ý tưởng sáng tạo, nổi bật nhất là 30 ý tưởng, đề tài, sáng kiến được Hội đồng sáng kiến sáng chế của Công ty phê duyệt. Hiện đã có 28 công trình thanh niên được đăng ký lên Đoàn BSR, trong đó có 2 công trình cấp Đoàn khối Doanh nghiệp Trung ương, 5 công trình cấp Đoàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và 21 công trình cấp cơ sở với tổng giá trị làm lợi trên 3 tỷ đồng.

Đặc biệt nhất là đề tài nghiên cứu “Giải pháp phân tích hàm lượng Asen (As) trong các dòng mẫu tại nhà máy lọc dầu nhằm chủ động phòng ngừa, kiểm soát ảnh hưởng của Asen tại phân xưởng công nghệ”.

Tại các nhà máy lọc dầu của Việt Nam hiện nay đang tồn tại một số vấn đề chưa tháo gỡ được, ví dụ như việc chưa thật sự chủ động kiểm soát hàm lượng Asen tại các phân xương công nghệ. Nhóm nghiên cứu đề tài này cho biết ý nghĩa của việc nghiên cứu thành công đề tài sẽ giúp Công ty chủ động kiểm soát nguồn dầu thô nguyên liệu, cảnh báo sớm cho các Ban liên quan như Điều độ sản xuất, Nghiên cứu phát triển, Vận hành Sản xuất đối với các lô dầu thô có hàm lượng Asen cao. Từ đó, có phương pháp sản xuất phù hợp, tiết kiệm khoảng 1 tỉ đồng mỗi năm cho nhà máy.

Đại diện nhóm nghiên cứu, kỹ sư Võ Tấn Phương hào hứng: “Ý nghĩa khoa học của đề tài vô cùng to lớn. Đề tài nhằm giúp chủ động kiểm soát hàm lượng Asen trong các dòng mẫu từ nguyên liệu đến sản phẩm cuối. Trên cơ sở đó tính toán cân bằng vật chất đối với Asen ở nhà máy. Từ đó, có thể đưa ra tỉ lệ phối trộn phù hợp cũng như chủ động kiểm soát hàm lượng Asen ở các dòng mẫu công nghệ. Khi triển khai giải pháp này đảm bảo chất lượng sản phẩm propylene cung cấp cho phân xưởng polypropylene (PP) và bán ra thị trường. Khi giải pháp này được áp dụng sẽ tiết kiệm chi phí gửi mẫu thử nghiệm bên ngoài khoảng 1 tỷ đồng/năm” – kỹ sư Phương cho biết.

Lan tỏa ý tưởng, kết nối cả nước

Trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt của thị trường, sản phẩm nào càng cho chỉ số chất lượng chính xác hơn càng đạt được niềm tin của khách hàng Bởi vậy, nhiệm vụ của các phòng thí nghiệm là nâng cao chất lượng đo lường. Đã từng xảy ra trường hợp khách hàng phân tích lại một số chỉ tiêu trên mẫu xăng, dầu của BSR tại các phòng thí nghiệm xăng dầu của các đơn vị khác. Kết quả thử nghiệm của phòng thí nghiệm đó sai lệch đáng kể so với kết quả thử nghiệm của BSR.

Kỹ sư trẻ Phạm Thị Thêm đã tham gia vào nhiều đề tài, sáng kiến của Ban Quản lý chất lượng

Vì thế, ngoài sự phàn nàn của khách hàng, sự sai lệch kết quả cũng khiến ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của BSR. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, nguyên nhân chính của việc có những sai số từ các phòng thí nghiệm khác nhau là do chưa xây dựng được mối liên hệ về năng lực phân tích, mức độ tương quan về độ chụm, độ chính xác của kết quả phân tích giữa các phòng thí nghiệm bên ngoài với phòng thí nghiệm của BSR.

Từ đó,  Lãnh đạo Ban Quản lý Chất lượng (QLCL) đã bằng mọi cách, dù gặp nhiều khó khăn để gắn kết các phòng thí nghiệm cùng lĩnh vực trong cả nước để trao đổi kết quả nghiên cứu nhằm đánh giá chéo, nâng cao độ tin cậy và tính chính xác của mỗi mẫu thử nghiệm.

Kỹ sư Phạm Thị Thêm cho biết: “Bước đầu, với 15 phòng thí nghiệm tham gia chương trình, số lượng mẫu phải chuẩn bị và gửi đi đồng thời là rất lớn, trong đó yêu cầu các mẫu phải thật sự đồng nhất về chất lượng theo tiêu chuẩn đã đòi hỏi các nhân sự quản lý chất lượng phải thật sự thành thạo trong từng thao tác. Việc lập chương trình, quy trình, tổng hợp kết quả và phân tích, đánh giá theo đúng tiêu chuẩn quốc tế ISO 13528:2005 cũng đã đặt ra nhiều thách thức nghiên cứu và sáng tạo.

Tuy nhiên, bằng sự quyết liệt, tâm huyết, dám nghĩ dám làm, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngay từ đợt so sánh liên phòng (SSLP) đầu tiên. Và đơn vị QLCL thuộc BSR tự hào là đơn vị đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình so sánh liên phòng các chỉ tiêu xăng, dầu trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đây là thành quả của toàn Ban QLCL” – chị Thêm nói.

Hiệu quả của việc kết nối đã thành công đến mức tới nay có rất nhiều đơn vị, phòng thí nghiệm trên cả nước đã chủ động liện hệ để đăng ký cùng tham gia chương trình. Đến nay Ban QLCL đã triển khai được 5 đợt mẫu, mỗi đợt có khoảng 17 PTN tham gia, vậy tổng lượt PTN tham gia là 85 lượt với 340 lít mẫu được gửi đi, đây là một con số mang rất nhiều ý nghĩa. Hiện tại vẫn đang tiếp tục triển khai các đợt mẫu xăng dầu trong năm 2019.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn