MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng công ty Giấy Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Nhiều công ty thuộc Bộ Công Thương muốn chuyển về "siêu uỷ ban" làm ăn bết bát

Anh Tuấn LDO | 26/08/2023 18:55

11 doanh nghiệp do Bộ Công Thương quản lý được đề xuất chuyển nguyên trạng về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và SCIC. Trong đó có nhiều doanh nghiệp tình hình kinh doanh không mấy khả quan.

"Một mình chúng tôi gánh không nổi"

Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Chính phủ về việc giám sát tình hình thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần. Theo đó, Bộ này đề xuất bàn giao đồng thời và nguyên trạng tất cả doanh nghiệp do bộ đang làm đại diện chủ sở hữu sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và SCIC giai đoạn 2022-2025.

Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, trong số những doanh nghiệp này, có doanh nghiệp nhiều năm nay ì ạch, thiếu sót trong việc cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước, đơn cử như VNSteel, VEAM. Cũng có những doanh nghiệp kết quả kinh doanh rất bết bát.

Theo báo cáo giám sát tài chính năm 2022 đối với 8/11 doanh nghiệp trực thuộc của Bộ Công Thương gửi các đơn vị chức năng hồi giữa tháng 6 vừa qua cho thấy, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng các đơn vị do Bộ trực tiếp quản lý vẫn làm ăn có lãi trong khi các công ty con, công ty liên kết lại bị lỗ, mắc kẹt với việc đầu tư kém hiệu quả.

Về hoạt động, Bộ Công Thương cho biết, Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) có tổng doanh thu 2.713 tỉ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế khá khiêm tốn, chỉ đạt 10,33 tỉ đồng. Đáng chú ý, Công ty TNHH MTV Nguyên liệu giấy miền Nam hiện có hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 28,5 lần (năm 2021 là 31 lần, năm 2020 là 29 lần), vượt quá mức 3 lần theo quy định. Tổng nợ phải trả Công ty mẹ - Vinapaco đến 31.12.2021 là hơn 327 tỉ đồng.

Đặc biệt, lãnh đạo Chính phủ nhiều lần đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục chủ trì, nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ phương án xử lý dứt điểm dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam (dự án cho Tổng công ty Giấy Việt Nam làm chủ đầu tư), trên cơ sở đó, xem xét, chỉ đạo việc xây dựng phương án cổ phần hoá Vinapaco.

Hiện nay, Tổng công ty Giấy Việt Nam đang bị "sa lầy" vào dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam. Việc xử lý Nhà máy bột giấy Phương Nam vẫn có nhiều vướng mắc khi chưa hoàn thành quyết toán dự án. Mặc dù nhiều lần tổ chức định giá tài sản, hàng hóa tồn kho làm cơ sở đấu giá, nhưng việc bán tài sản có vướng mắc khi PVComBank khởi kiện Vinapaco liên quan đến tài sản thế chấp dự án.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khảo sát thực tế dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An, ngày 26.3. Ảnh: VGP

Trao đổi với Lao Động, ông Hoàng Quốc Lâm - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Giấy Việt Nam - chủ đầu tư dự án - cho biết, Tổng công ty gặp nhiều khó khăn trong xử lý các vấn đề liên quan đến dự án.

"Chúng tôi đã báo cáo phương án xử lý với Bộ Công Thương từ ngày 9.4.2023, để lãnh đạo Bộ xem xét, nghiên cứu để báo cáo lãnh đạo Chính phủ", ông Lâm nói.

Theo ông Lâm, dự án này đã tồn tại 20 năm nay và có rất nhiều vấn đề phức tạp. Tổng công ty Giấy nhận lại dự án theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, dự án triển khai không được, các phương án xử lý những tồn tại của dự án trước đó cũng không khả thi.

"Căn cứ theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Long An, căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi đề xuất phương án chấm dứt dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam để tiến hành xử lý tài sản gắn liền với đất và không gắn liền với đất.

Đất đai của dự án sẽ chuyển giao lại cho UBND tỉnh để thực hiện sử dụng đất vào mục đích khác theo quy hoạch đã được tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, phương án xử lý này mất vốn nhà nước nên cần tập trung xem xét, đánh giá, xử lý kỹ lưỡng", ông Lâm cho hay.

Theo ông Lâm, dự án được Tổng công ty Giấy Việt Nam nhận lại, nên ban lãnh đạo Tổng công ty mong muốn các bộ ngành, địa phương chia sẻ rủi ro. "Một mình chúng tôi gánh không nổi", ông Lâm nói.

Lợi nhuận không mấy khả quan

Với Tổng Công ty cổ phần Xây dựng Công nghiệp Việt Nam, báo cáo giám sát tài chính cho thấy, tổng doanh thu năm 2022 của đơn vị đạt 254,9 tỉ đồng, đạt 64% kế hoạch năm, lợi nhuận đạt 14,7 tỉ đồng. Tuy nhiên, số nợ phải trả đến 31.12.2022 lên tới 181,2 tỉ đồng, tổng số nợ phải thu đến hết năm 2022 là 490,7 tỉ đồng.

Hoạt động của Tổng Công ty Máy và thiết bị công nghiệp (MIE), dù không lỗ nhưng bị đánh giá kém do chỉ đạt 105 triệu đồng lợi nhuận sau thuế cho cả năm 2022. Một số công ty con của MIE cũng gặp khó khăn như Công ty Cơ khí Quang Trung còn tồn tại nợ vay quá hạn liên quan đến “Vụ án ông Nguyễn Duy Xuyên”.

Hay tại, Công ty Technoimport cũng đang tồn đọng nợ vay quá hạn ngân hàng phát sinh trên 5 năm chưa trả ngân hàng do chưa thu hồi được nợ. Bộ Công Thương cũng cho hay, trong số các đơn vị thuộc quyền quản lý, lợi nhuận chủ yếu đến từ các doanh nghiệp bán bia và làm liên doanh sản xuất ôtô với nước ngoài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn