MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo ghi nhận của Lao Động, ngày 10.10, số cửa hàng kinh doanh xăng dầu hết xăng tại TPHCM tiếp tục tăng. Ảnh: Lê Vũ

Nhiều cửa hàng hết xăng, PVOIL nói "tuyệt đối không đóng cửa"

Cường Ngô LDO | 10/10/2022 17:03

Liên quan việc nhiều cửa hàng xăng dầu ở TPHCM và các tỉnh thành phía Nam hết xăng, phải đóng cửa, gián đoạn nguồn cung, trao đổi với Lao Động, đại diện Tổng công ty dầu Việt Nam (PVOIL) - doanh nghiệp chiếm thị phần xăng dầu lớn trên cả nước cho biết vẫn cố gắng đảm bảo nguồn cung, song về dài hạn vẫn cần những giải pháp để hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Theo đại diện PVOIL, những ngày qua, các chuyến tàu nhận hàng tại cả 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn trong giai đoạn cuối tháng 9, đầu tháng 10.2022 đều bị trễ so với kế hoạch do ảnh hưởng thời tiết của cơn bão Noru.

Cùng lúc đó, trên thị trường, nguồn hàng nhập khẩu về rất hạn chế, không dồi dào như trước đây do phụ phí mua cao hơn nhiều so với công thức giá cơ sở nên ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh. 

Trong bối cảnh ấy, phía PVOIL cho rằng, vẫn đảm bảo tối đa nguồn hàng cho toàn hệ thống. Cụ thể, trong 9 ngày đầu tháng 10.2022, sản lượng xăng dầu PVOIL cung cấp cho các đơn vị trong hệ thống vượt 7% so với kế hoạch, riêng mặt hàng xăng vượt 16%.

Tại thị trường TPHCM, sản lượng xăng dầu do PVOIL cung cấp cho các đầu mối phân phối cũng vượt tới 28% so với kế hoạch, riêng mặt hàng xăng vượt 35%.

"Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị thành viên bán lẻ xăng dầu trên địa bàn TPHCM của mình là Công ty cổ phần Xăng dầu Dầu khí Sài Gòn (PVOIL Sài Gòn) và Công Ty Cổ Phần Thương Mại Xuất Nhập Khẩu Thủ Đức (TIMEXCO) tăng cường tối đa bán hàng thông qua hệ thống 21 cây xăng để phục vụ nhu cầu gia tăng đột biến của khách hàng trong giai đoạn nhất thời hiện nay", vị đại diện nói.

Cụ thể, trong 9 ngày đầu tháng 10.2022, sản lượng bán lẻ của PVOIL Sài Gòn và TIMEXCO đều tăng so với bình thường (xăng tăng 30%, dầu DO tăng 10%). Đặc biệt, trong 2 ngày 8 và 9.10.2022, nhiều cây xăng trên địa bàn TPHCM đóng cửa, khách hàng ồ ạt chuyển qua các cây xăng PVOIL quá đông, tăng gấp 3 lần so với bình thường, gây áp lực lớn cho công tác điều độ hàng hoá. 

"Trong 2 ngày này, sản lượng bán lẻ của PVOIL Sài Gòn và TIMEXCO tăng rất cao so với bình quân các ngày trước đó (xăng tăng 60%, dầu DO tăng 25%).

Mặc dù, chúng tôi liên tục đưa hàng về các cây xăng, nhưng đôi lúc cũng không kịp đáp ứng nhu cầu tăng đột biến, xảy ra hiện tượng một số cây xăng hết mặt hàng xăng trong khoảng thời gian ngắn khi chờ xe bồn đến nhập hàng.

Tuy nhiên, tuyệt đối không có việc cây xăng PVOIL đóng cửa. Việc thiếu xăng ở một vài cây xăng nói trên chỉ là sự việc mang tính nhất thời và cục bộ. Sau khi được cấp hàng, các cây xăng này đã ngay lập tức tiếp tục bán hàng bình thường", vị đại diện PVOIL nói.

Tuy nhiên, vị này cho rằng, nếu tình hình thị trường như hiện nay tiếp tục kéo dài sẽ gây khó khăn rất lớn đối với PVOIL cũng như các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu khác.

Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rất mong các cơ quan chức năng sớm có giải pháp để hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng nhằm ổn định thị trường trong bối cảnh giá dầu thế giới biến động lớn, thị trường trong nước đang gặp khó khăn”.

Việt Nam có tới 36 doanh nghiệp đầu mối, trong khi Nhật chỉ có 5 doanh nghiệp

Ở diễn biến khác, trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng, 36 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cùng ký đơn cho rằng việc điều hành của Liên Bộ Công Thương - Tài chính thời gian qua có vấn đề, kéo theo những bất ổn thị trường kinh doanh xăng dầu. Đồng thời, công thức tính giá cơ sở hiện nay chưa phù hợp, chưa tính đủ chi phí và xa rời thực tế.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo Nghị định 95 của Chính phủ giao, cơ quan quản lý nhà nước về xăng dầu là Bộ Công Thương.

Còn Bộ Tài chính có trách nhiệm trong việc ban hành chi phí định mức đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội các khoản thuế phí đối với xăng dầu. 

Công tác quản lý doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ thuộc về trách nhiệm của Bộ Công Thương. Do đó, việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, đảm bảo các chi phí trung gian, tiết giảm chi phí quản trị doanh nghiệp xăng dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương và các doanh nghiệp.  

Người đứng đầu ngành Tài chính cho rằng, hiện nay, vấn đề làm thế nào để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, làm thế nào để quản lý tốt các doanh nghiệp đầu mối là rất quan trọng.

Nước ta hiện nay có đến 36 doanh nghiệp đầu mối, trong khi các quốc gia lớn như Nhật Bản cũng chỉ có 5 doanh nghiệp đầu mối; hay như đối với doanh nghiệp phân phối chúng ta cũng có đến 500 doanh nghiệp.

Bộ trưởng Tài chính đặt vấn đề, vậy làm thế nào để xây dựng bộ máy một cách linh hoạt, hiệu quả và giảm được các chi phí trung gian, cung cấp nguồn xăng dầu từ doanh nghiệp đầu mối xuống đến các cửa hàng bán lẻ một cách thuận lợi nhất?

"Đây là một vấn đề đặt ra và Bộ Tài chính cũng đã trao đổi, phối hợp với Bộ Công Thương để Bộ Công Thương tăng cường công tác quản lý", ông Hồ Đức Phớc cho hay. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn