MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rừng cam tuyết giúp người dân vùng biên giới Việt - Lào phát triển kinh tế. Ảnh: Thanh Chung

Nhiều dân vùng biên giới ở Quảng Nam thoát nghèo nhờ cây cam tuyết

Thanh Chung LDO | 05/02/2022 15:41

Quảng Nam - Hàng nghìn gốc cam quý hiếm có tuổi đời hàng trăm năm vừa được Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam phát hiện và công bố ở vùng biên giới huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Người dân và chính quyền chọn cam tuyết là cây trồng chủ lực, tạo thu nhập ổn định cho người dân.

Trước đây, rừng cam tuyết nằm vùng biên giới Việt – Lào, thuộc xã Gari, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam không mấy được quan tâm vì giao thông còn rất khó khăn. Tuy nhiên, từ năm 2015, đường lên vùng biên giới Việt – Lào dần được hoàn thiện, thương lái nhiều nơi bắt đầu tìm đến hỏi mua.

Anh Bríu Mênh (thôn Arooi, xã Ga Ry) cho hay, với mỗi gốc cam, người dân thu hoạch từ 200 – 300kg quả/mùa và giá bán tại vườn là 30 nghìn đồng/1kg tạo một khoảng thu nhập ổn định.

 Người dân vùng biên giới Việt - Lào phát triển kinh tế nhờ cam tuyết.

“Cây cam do cha ông ta để lại từ xưa đến giờ. Đối với gia đình tôi thì cây cam mang lại kinh tế tương đối cao. Tôi kính mong rằng, chính quyền địa phương tạo điều kiện chỉ dẫn cho cá nhân tôi kỹ thuật chăm sóc để cây cam phát triển tốt hơn. Trong thời gian sắp tới tôi sẽ trồng nhiều hơn, chăm sóc tốt hơn, cho thu nhập cao và tuyên truyền cho bà con trong thôn bản” – anh Bríu Mênh chia sẻ.

 Mỗi cây cam, người dân có thể thu về hơn 6 triệu đồng/vụ.

Ông Zơ Râm Nhưng - Chủ tịch UBND xã Ga Ry cho hay, vào năm 2005, trên địa bàn xã chỉ có khoảng 2.000 cây cam tuyết thì đến nay đã trồng được 40.000 cây và trên 60ha. Cây cam hiện nay nâng được thu nhập, chiếm khoảng 20-30% thu nhập trên địa bàn và xã đang khoanh vùng để cây cam Ga Ry không bị chùng xuống. Trong thời gian đến, xã Ga Ry sẽ có kế hoạch, chương trình phát triển cây cam trên địa bàn xã và các thôn phù hợp hiện nay.

Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho hay, năm 2017, toàn huyện Tây Giang có hơn 15.000 gốc cam do người dân tự nhân giống, tập trung ở các 4 xã vùng cao Tr’Hy, Ch’Ơm, A Xan và nhiều nhất là Ga Ry. Trong chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, huyện Tây Giang đã nhân giống và trồng trên diện rộng với phương pháp hữu cơ để bảo đảm đưa ra thị trường sản phẩm cam sạch Tây Giang.

Huyện Tây Giang và tỉnh Quảng Nam đang hướng đến việc quy hoạch vùng chuyên canh khoảng 500ha, đồng thời, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, kết nối thị trường nhằm giúp cho đồng bào Cơ Tu có thêm sinh kế thoát nghèo bền vững.

Huyện Tây Giang tiếp tục mở rộng khoảng 500ha để trồng chuyên canh loại cam tuyết này.

“Trong thời gian tới sẽ tập trung quy hoạch thành một vùng trồng chuyên canh để tạo ra một sản phẩm đáp ứng nhu cầu và sản phẩm cam Tây Giang. Chúng tôi cũng hướng đến xây dựng một thương hiệu cũng như là một sản phẩm để đưa ra thị trường, phục vụ nhu cầu của người dân, hướng đến sản phẩm OCOP trong tương lai” – ông Linh chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn