MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc. Ảnh: Huy Nguyễn

Nhiều địa phương thực hiện chưa đúng tinh thần của Chỉ thị 16

Khánh Vũ (thực hiện) LDO | 14/04/2020 19:48

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - TS Vũ Tiến Lộc nêu những bất cập trong thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ và đề nghị những giải pháp để ổn định sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn đại dịch COVID-19.

Trong những ngày qua khi cả nước và cộng đồng doanh nghiệp gồng mình chống đỡ để với dịch bệnh COVID-19, lo duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động, nhưng ở một số địa phương vẫn có hiện tượng ngăn sông cấm chợ, buộc doanh nghiệp ngừng sản xuất, đóng cửa công trình, không cho người lao động về nhà máy, cấm xe vận chuyển vật tư, nguyên liệu... 

Có nơi được cho sản xuất nhưng lại cấm lưu thông, bắt đóng cửa kênh phân phối, vậy thì sản xuất làm gì? Không lẽ sản xuất để chất vào kho? Nhiều địa phương hiểu sai và thực thi chưa đúng tinh thần của Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Những cản trở này cần được dỡ bỏ. Cộng đồng doanh nghiệp mong rằng cải cách thể chế sẽ được đầy mạnh trong những tháng tới đây để yểm trợ và làm bệ đỡ cho doanh nghiệp vượt qua đại dịch và chuẩn bị tâm thế cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau này.

Theo ông, các giải pháp nào cần được ưu tiên triển khai để hỗ trợ các doanh nghiệp ngay lúc này?

- Với tư cách Chủ tịch VCCI, tôi đề nghị Chính phủ chú trọng “5 mũi giáp công”: Mở ngân khố, nới tiền tệ, đẩy đầu tư, nhanh thể chế và khai thông thị trường. Quyết tâm của Thủ tướng và Chính phủ rất cao và các giải pháp được đưa ra khá đồng bộ. Trong thời gian qua, nỗ lực của các bộ ngành, địa phương rất đáng được trân trọng, nhưng kết quả còn chưa được như mong muốn.

So sánh thì có thể còn khập khiễng, nhưng cảm giác chung là, trên trận tuyến chống đỡ dịch bệnh, thì chúng ta có thể yên tâm, nhưng trong hỗ trợ doanh nghiệp thì chúng ta không thể không quan ngại. Quan ngại vì việc thực hiện các chủ trương chính sách mà trực tiếp là Chỉ thị 11, Chỉ thị 16 của Thủ tướng còn chậm và thiếu nhất quán.

Quan ngại vì nếu chúng ta đã xác định phải thực hiện nhiệm vụ kép chống dịch là ưu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp là quan trọng, thì dường như việc hỗ trợ doanh nghiệp đã chưa được triển khai thật quyết liệt, khẩn trương, rốt ráo như chống dịch và vẫn có hiện tượng mỗi địa phương làm một kiểu.

Xin ông cho biết trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cần làm gì để đảm bảo an toàn dịch bệnh, ổn định sản xuất?

- Trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, điều quan trọng là thực hiện kinh doanh an toàn, tuân thủ các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh. Nguy cơ lây nhiễm COVID-19 rất khác nhau giữa các ngành, các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp, nên cần có những điều kiện và kịch bản ứng xử khác nhau.

Vừa chống dịch vừa sản xuất an toàn phải là phương thức kinh doanh trong thời đại dịch. Ảnh: Khánh Vũ.

Giải pháp là cần xây dựng bộ chỉ số rủi ro lây nhiễm để có thể phân loại và áp dụng các kịch bản ứng xử. Ví dụ nguy cơ lây nhiễm cao (trên 80%) thì kiên quyết ngưng hoạt động. Nguy cơ lây nhiễm thấp hơn thì tùy từng cấp độ mà được tiếp tục sản xuất kinh doanh nhưng phải áp dụng những biện pháp phòng ngừa và kiểm soát rủi ro phù hợp theo hướng dẫn của cơ quan y tế...

Ngoài ra, còn các giải pháp khác như hỗ trợ tiền bạc, thuế, phí, tín dụng… là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là những phản ứng khẩn trương, linh hoạt và có trách nhiệm của cơ chế và bộ máy để có thể tiếp sức cho doanh nghiệp.

Chúng ta “cách ly y tế “nhưng chúng ta phải “chung tay về cơ chế” để thực sự đồng hành với doanh nghiệp, doanh nhân. Hoan hô Thủ tướng đã có quyết định điều chỉnh kịp thời và chính xác chủ trương cho phép xuất khẩu lương thực trong hạn mức, trên cơ sở tính toán kỹ nhu cầu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Thủ tướng bảo phải “không được ngăn sông, cấm chợ, phải tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động và phát triển bởi “cuộc chiến” để chống suy thoái, duy trì tăng trưởng chắc chắn sẽ kéo dài và sẽ cam go không kém cuộc chiến để phòng chống dịch.

Do đó, cùng với những chủ trương chính sách thì việc thúc đẩy thực thi cần phải đặc biệt coi trọng trong bối cảnh này và cũng cần phải được triển khai với tinh thần khẩn trương như chống dịch. Nhanh một ngày là doanh nghiệp có thể phục hồi, chậm một ngày doanh nghiệp có thể bị xóa sổ. 

- Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn