MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng tồn kho, nhiều doanh nghiệp gỗ ở Gia Lai lao đao. Ảnh Thanh Tuấn

Nhiều doanh nghiệp gỗ ở Gia Lai đóng cửa nhà máy

THANH TUẤN LDO | 14/05/2023 11:41

Thị trường tiêu thụ khó khăn, tình hình lạm phát ở các nước Châu Âu khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ Gia Lai bị ảnh hưởng, buộc phải cắt giảm nhân công, đóng cửa nhà máy. 

Ngày 14.5, ông Nguyễn Tuấn – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai cho biết, hiện nay nhiều công ty gỗ trên địa bàn buộc phải đóng cửa, cắt giảm công nhân. Một số công ty có từ 100-250 công nhân, bây giờ chỉ còn để lại 3-4 người phụ trách trông coi xưởng gỗ, vì không có đơn hàng.  

Các doanh nghiệp gặp khó do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới, chiến tranh, lạm phát ở Châu Âu, chính sách thắt lưng buộc bụng, hạn chế chi tiêu của người dân các nước nên mặt hàng gỗ khó tiêu thụ.  

Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 288 cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, gia công mộc dân dụng, băm dăm, viên nén... Hoạt động sản xuất chủ yếu vẫn là cưa xẻ gỗ nguyên liệu, băm dăm để cung cấp cho các công ty lớn ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương sản xuất thành phẩm và xuất khẩu. 

Các công ty gỗ đều phải cắt giảm nhân công lao động. Ảnh Thanh Tuấn 

Theo số liệu từ Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ tinh chế trên địa bàn đã bắt đầu suy giảm trong khoảng 3 năm nay. Nếu năm 2019 đạt 7 triệu USD, năm 2020 đạt 7,5 triệu USD, thì đến năm 2021 chỉ đạt 4,3 triệu USD, năm 2022 chỉ đạt 3,5 triệu USD, và 4 tháng đầu năm 2023 mới đạt 192.000 USD.  

Gỗ viên nén cũng như gỗ khác thuộc thành phần mặt hàng không thiết yếu nên nhu cầu giảm sút thời gian dịch bệnh đến nay. Tỉnh Gia Lai là vùng nguyên liệu gỗ rộng lớn tuy nhiên lại cách xa cảng biển, doanh nghiệp phải thuê chuyển hàng về cảng Quy Nhơn hoặc TP Hồ Chí Minh, chi phí logictis tăng bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp gỗ.  

“Trong giai đoạn khó khăn này, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ đều phải tạm thời đóng cửa, căng thẳng nhất là các doanh nghiệp phải vay vốn ngân hàng, dùng đòn bẩy tài chính quá cao. Thiếu đơn hàng, hàng tồn kho lớn, nguồn tiền không có nên phải chật vật để trả nợ gốc và lãi vay.  

Nếu một số doanh nghiệp không còn khả năng thanh khoản vì tình hình khó khăn như hiện tại thì nguy cơ phá sản cao, cần sự hỗ trợ cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ từ các ngân hàng”, ông Nguyễn Tuấn nói.  

Ông Nguyễn Văn Khánh - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Gia Khang cho biết: “Doanh thu sụt giảm rất mạnh so với trước, ở thời điểm ổn định bình quân một năm công ty đạt doanh thu 50-100 tỉ đồng, thì bây giờ giảm đến 70%. Hoạt động của nhà máy hiện nay chỉ mang tính duy trì, công nhân từ 200 người giờ chỉ còn 40 người”. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn