MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ thiếu nhân lực lao động để sản xuất. Ảnh: Vũ Long

Nhiều doanh nghiệp khó có khả năng tìm đủ lao động để vực dậy sản xuất

Vũ Long LDO | 20/09/2021 12:33

Tình trạng thiếu nhân lực lao động đang diễn ra ở hầu hết ngành thủy sản; chế biến nông sản, đồ gỗ... nếu không đẩy mạnh tiêm vaccine cho công nhân.

Chỉ 30-40% doanh nghiệp có thể phục hồi sản xuất sau giãn cách

Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú - cho biết, đến thời điểm hiện tại, đã có 94,5% công nhân của công ty được tiêm vaccine mũi 1, đồng thời cũng đã thực hiện “xanh” nhà máy sản xuất và được chính quyền địa phương phê duyệt phương án phòng, chống dịch và sản xuất, trong điều kiện “bình thường mới”. Nhưng việc phục hồi sản xuất vẫn khó khăn do đứt gãy nguồn cung lao động, bởi nhiều người lao động đã về quê tránh dịch, một số e ngại dịch bệnh nên chưa muốn trở lại đi làm ngay sau thời gian "mở cửa".

Việc phục hồi sản xuất của nhiều doanh nghiệp thủy sản đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề thiếu nhân lực lao động do nhiều công nhân chưa được tiêm vaccine nên chưa thể đến cơ sở sản xuất, nhiều người đã về quê, đang cách ly, hoặc đang điều trị COVID-19…

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), với những nhà máy có thể thực hiện sản xuất, thì cũng chỉ huy động được 10-50% số lượng công nhân, nhưng số doanh nghiệp huy động được 50% lao động là rất ít, chủ yếu chỉ huy động được khoảng 20-30% công nhân, số còn lại phải nghỉ việc hoặc nghỉ không lương.

“Ước tính trên 300.000 lao động trực tiếp tại các nhà máy chế biến thủy sản đã mất công ăn việc làm, và ít nhất số lượng tương tự nữa cho các lực lượng lao động trong chuỗi sản xuất thủy sản liên quan bị tác động theo" - ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Vasep, nêu ý kiến.

Theo kết quả khảo sát của hiệp hội, chỉ có 30-40% doanh nghiệp có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội, số doanh nghiệp còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất, vì trung bình để khôi phục được 50% công suất cần đến 3-6 tháng; khôi phục 70% công suất sản xuất cần từ 9 tháng đến 1 năm; khôi phục 100% công suất sản xuất phải mất đến khoảng 1,5-2 năm.

Theo ông Đặng Hoàng Giang - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), do tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp từ tháng 6.2021 đến nay, một lực lượng lớn lao động tại TPHCM đã “di biến động” về các tỉnh.

Tại một số tỉnh như Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Phú Yên… một số doanh nghiệp chế biến điều do gặp khó khăn trong đảm bảo phương án sản xuất an toàn, 3 tại chỗ, “1 cung đường 2 điểm đến” nên đã buộc phải duy trì số lượng lao động ở mức tối thiểu.

Thiếu lao động vì độ "phủ" vaccine rất thấp

Theo VASEP, hiện nay, số lượng các đơn hàng xuất khẩu đã tăng 10-20% so với năm 2020 nhưng chỉ có khoảng 30-40% doanh nghiệp thủy sản đủ năng lực phục hồi sản xuất ngay sau giãn cách vì ngoài thiếu nguyên liệu, các doanh nghiệp còn thiếu nhân lực nghiêm trọng.

Được tiêm vaccine là vấn đề căn cơ nhất để công nhân có thể đi làm, nhưng hiện nay tỉ lệ tiêm vaccine cho người lao động tại các nhà máy chế biến thủy sản các tỉnh từ Nam Trung bộ vào đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mới đạt trung bình 30-35% cho mũi 1, tỉ lệ tiêm mũi 2 thì rất thấp, dưới 5%.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Đặng Hoàng Giang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam - cho rằng, số liệu văn phòng hiệp hội ghi nhận, phần lớn doanh nghiệp, đặc biệt các tỉnh vùng sâu, vùng xa chưa được tiêm mũi 2, tỉ lệ tiêm mũi 1 chỉ khoảng 30%. Do đó, nếu mở cửa hoạt động trở lại sau giãn cách, không quá 30-40% doanh nghiệp đáp ứng được.

"Tại TPHCM, nhiều doanh nghiệp cho hay, độ phủ vaccine thấp, lao động thiếu hụt sẽ là những rào cản lớn với doanh nghiệp. Để đảm bảo sản xuất an toàn, đề nghị Nhà nước ưu tiên tiêm vaccine đầy đủ cho người lao động tại các doanh nghiệp điều ở các vùng dịch như TPHCM, Bình Dương… và các vùng xa như Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Phú Yên, Gia Lai… tỉ lệ tiêm phủ đầy đủ 2 mũi vaccine trước 31.12.2021" - ông Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh.

Các doanh nghiệp dệt may, hồ tiêu, logistics, chế biến gỗ cũng đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine cho công nhân để đáp ứng nguồn cung nhân lực cho các doanh nghiệp tái sản xuất, bởi sau khi dịch bệnh giảm, nhu cầu về lao động là rất lớn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn