MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Công nghệ Á Mỹ. Ảnh: Anh Tuấn

Nhiều doanh nghiệp nỗ lực giữ đà tăng xuất khẩu

Cường Ngô LDO | 03/07/2023 15:53

Xuất khẩu là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam. Nhưng trụ cột này đang đối mặt khó khăn do nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, thủy sản, đồ gỗ sụt giảm đơn hàng. Tuy nhiên, trong bức tranh ảm đạm đó vẫn có những điểm sáng vụt lên.

"Phải chứng minh được chất lượng sản phẩm và giá cả cạnh tranh"

Vừa kí hợp tác chiến lược cung ứng xây dựng dây chuyền đá thiêu kết với các tập đoàn của Mỹ, Tây Ban Nha, ông Trần Tuấn Đại - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp Á Mỹ (Vĩnh Phúc) - kì vọng những bước tiến lớn trong việc cung ứng sản phẩm tại thị trường trong nước và nước ngoài nửa cuối năm 2023.

Trong bối cảnh khó khăn chung, quý I/2023, công ty của ông Đại vẫn “dồi dào” đơn hàng, doanh thu, lợi nhuận ổn định.

“Doanh thu quý I/2023 ổn định so với cùng kì năm 2022; cả năm dự kiến tăng trưởng khoảng 30%. Chúng tôi vẫn có những sản phẩm chủ lực xuất khẩu vào Mỹ, Châu Âu, Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Nam Mỹ” - ông Tuấn Đại nói.

Để giữ được đà xuất khẩu đối với bạn hàng nước ngoài, công ty ông Đại phải chứng minh được bằng chất lượng sản phẩm và giá cả cạnh tranh. “Chúng tôi cho đối tác nhìn thấy năng lực của công ty bằng các cam kết kinh doanh, bằng kĩ thuật công nghệ, sự hiểu biết về pháp luật, thông lệ quốc tế cũng như thị hiếu và nhu cầu của thị trường”.

Ông Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Dụng cụ An Mi (Hưng Yên) - cho biết, nửa đầu năm 2023, công ty có đơn hàng xuất khẩu đi Nhật, Đức, Indonesia, châu Âu... với tỉ trọng 30 - 35% doanh thu. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là dụng cụ cắt gọt và sản phẩm cơ khí chính xác.

“Sau khi yên tâm về chất lượng, các đối tác sẽ quan tâm đến giá cả. Chúng tôi sẵn sàng đặt ra mức lợi nhuận thấp hơn thị trường, ngưỡng 15% (thông thường 20 - 30%) để hạ giá thành” - ông Phong nói.

Theo ông Phong, để giữ phong độ xuất khẩu, tránh tình trạng đơn hàng sụt giảm, doanh nghiệp cần cải tiến công nghệ, đồng thời nâng cao ý thức và tư duy, trình độ của người lao động.

Giải pháp căn cơ giữ đà tăng trưởng

Để giữ đà tăng trưởng xuất khẩu, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp cần duy trì quản trị tốt; Rà soát, tái cơ cấu, áp dụng công nghệ để cắt giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm. Mặt khác, đẩy mạnh khai thác những thị trường có FTA và tìm kiếm những thị trường mới, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một số thị trường nhất định. Đặc biệt cần khai thác những thị trường mà Việt Nam kí kết các FTA có hiệu lực để tận dụng ưu đãi thuế quan.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp phải tự điều chỉnh kế hoạch sản xuất để kịp thời thích nghi, đồng thời tham gia hiệu quả, bền vững vào chuỗi cung ứng; nỗ lực xanh hóa sản xuất cũng như thực hiện các trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường... thay đổi tư duy và quen dần với các quy định và luật lệ quốc tế trong thương mại, đầu tư.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn