MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gia công mặt hàng gỗ xuất khẩu. Ảnh: Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

Nhiều doanh nghiệp quay trở lại bắt nhịp với thị trường

LAN NHI LDO | 03/12/2022 07:27

nền kinh tế chưa thể hồi phục hoàn toàn nhưng nhiều doanh nghiệp gần đây đang có động thái quay trở lại bắt nhịp với thị trường. Chỉ tính riêng trong tháng 11.2022, cả nước có khoảng 12 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, gần 6,3 nghìn doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động.

Xây dựng kế hoạch kinh doanh 

Vừa mở một quán cà phê nhượng quyền, anh Trần Minh Hoàng (SN 1990, đường Tô Hiệu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, dù có ý định kinh doanh cửa hàng đồ uống từ lâu nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, anh Hoàng đã phải tạm hoãn kế hoạch để bảo toàn số vốn đầu tư.    

"Sau khi khảo sát giá mặt bằng cho thuê, cũng như các chi phí cố định, tôi đã mở một quán cà phê nhượng quyền với doanh thu hiện đang vận hành khá ổn định. Thường thì sau dịch bệnh COVID-19, có không ít nhà đầu tư, kinh doanh dù có nguồn vốn dồi dào trong tay nhưng họ đều chần chừ, chưa dám xuống tiền ngay mà phải chờ đợi thời điểm thích hợp" - anh Trần Minh Hoàng nói. 

Là doanh nghiệp có quy mô lớn nhất trong ngành F&B Việt Nam với hệ thống 430 nhà hàng, sau hơn 2 năm lao đao vì dịch COVID-19, Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) đã sự phục hồi nhanh chóng bằng các chiến lược mở rộng kinh doanh.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp này đã nhanh chóng mở thêm 56 nhà hàng mới, nâng tổng số lượng nhà hàng lên 430. Ngoài việc tiếp tục nhân rộng các nhãn hàng, Golden Gate còn tiếp tục nghiên cứu và phát triển hình mới mang tên “city station” và dự kiến sẽ mở thêm 3 - 5 cơ sở từ giờ đến cuối năm.

Doanh nghiệp phục hồi nhanh chóng 

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), tháng 11.2022 cả nước có gần 12 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và có gần 6,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng số doanh nghiệp tham gia vào thị trường (bao gồm đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động) đạt 194,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước, gấp 1,3 lần mức bình quân 11 tháng giai đoạn 2017 - 2021.

Bộ KHĐT đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đang bắt đầu có sự phục hồi, những tín hiệu tích cực trong tình hình đăng ký doanh nghiệp cho thấy sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp trong việc Chính phủ chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả.

Trước đó, theo PGS-TS Nguyễn Thường Lạng - Trường Đại học Kinh tế quốc dân, mặc dù khả năng chống đỡ và thích nghi hoàn cảnh của doanh nghiệp Việt Nam khá tốt, thế nhưng chuyên gia này cho rằng một vài biến động gần đây về lãi suất, lo lắng đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp có thể ảnh hưởng nguồn tài chính hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm và sang cả năm 2023.

Ngoài ra, những con số tích cực về lượng doanh nghiệp mới tăng cũng cho thấy chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp ổn định đầu tư kinh doanh là cực kỳ cần thiết.

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng nêu quan điểm, nhiều khó khăn do biến động thị trường có thể sẽ cản đường thâm nhập sâu chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp nội địa, giảm hiệu quả việc khai thác các ưu đãi của hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với các nước. Nhà nước cũng cần thực hiện quyết liệt cải cách môi trường kinh doanh, hỗ trợ chính sách về vay vốn để giúp doanh nghiệp phần nào “dễ thở” hơn trong những tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm để doanh nghiệp thúc đẩy phát triển thương hiệu hàng nội để trở thành thương hiệu vững mạnh. Đặc biệt, vấn đề chuyển đổi số, đầu tư đổi mới sáng tạo sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều sản phẩm mới mang đặc thù Việt Nam, nhất là đổi mới công nghệ theo xu hướng 4.0. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn