MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sản xuất và xuất khẩu được thúc đẩy nhờ lạm phát giảm, đơn đặt hàng ở bên ngoài tăng tạo động lực cho tăng trưởng GDP Việt Nam 2024. Ảnh: Hải Nguyễn

Nhiều động lực để Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6-6,5% năm 2024

Văn Nguyễn - Vân Trường LDO | 01/01/2024 10:42

Các dự báo mới đây của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) gây lo ngại về khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước Đông Nam Á trong năm 2024. Tuy nhiên, các chuyên gia tin tưởng Việt Nam đang có nhiều động lực duy trì và thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế trong năm 2024.

GDP đăng tăng dần theo từng quý

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 12.2023 vừa công bố nhận định, triển vọng tăng trưởng khu vực Đông Nam Á trong năm nay giảm từ 4,6% xuống còn 4,3%, trong bối cảnh nhu cầu đối với các sản phẩm xuất khẩu suy yếu.

Dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay cũng giảm xuống còn 5,2% so với dự báo trước đó là 5,8%. Sự phục hồi yếu hơn dự kiến của nhu cầu bên ngoài tiếp tục cản trở tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ, làm chậm quá trình phục hồi của việc làm và tiêu dùng trong nước.

Tuy nhiên, bước sang năm 2024, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được duy trì ở mức 6%. Trong khi đó, chính sách tiền tệ thận trọng và chủ động, được hỗ trợ bởi việc kiểm soát hiệu quả giá xăng, điện, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và giáo dục, sẽ giúp kiểm soát lạm phát. Dự báo lạm phát tại Việt Nam được duy trì ở mức 3,8% cho năm 2023 và 4% cho năm 2024.

Ông Vũ Hoàng Dũng - Viện Kinh tế và Chính trị thế giới - nhận định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang được xem là điểm sáng của kinh tế toàn cầu với các điểm sáng về kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiềm chế dưới mức mục tiêu; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát và các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Việt Nam và các nước trong nhóm các nền kinh tế đang phát triển được dự báo có mức tăng trưởng GDP cao nhất trong năm 2024. Nguồn: IMF

Hai trong số các động lực chính cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và năng lực xuất khẩu của quốc gia vẫn tiếp tục được duy trì.

PGS.TS Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học - Đại học Kinh tế Quốc dân - cũng nhìn nhận, trong năm 2023, tăng trưởng của Việt Nam cao dần qua các quý và GDP trong 3 quý đầu 2023 đạt 4,2%, cao hơn nhiều mức tăng trưởng bình quân trên toàn cầu.

Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào ngày 5.9.2023 nhấn mạnh rằng, Việt Nam là điểm sáng của tăng trưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19 nhờ cách tiếp cận toàn diện về quản lí kinh tế vĩ mô, giúp đưa nền kinh tế vượt qua các thách thức của bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay.

4 động lực cho tăng trưởng 2024

Với nền tảng trên, bước sang năm 2024, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong nhận đinh, nền kinh tế Việt Nam vừa có những thuận lợi rất cơ bản, vừa tiếp tục chịu “tác động tiêu cực kép” từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập bên trong; thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, dù rằng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là triển khai các giải pháp trong điều hành kinh tế vĩ mô, vừa phải kiểm soát lạm phát, vừa phải thúc đẩy tăng trưởng...

Ông Vũ Hoàng Dũng - Viện Kinh tế và Chính trị thế giới - tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và có nhiều triển vọng tăng trưởng cao trong thời gian tới. Trước báo cáo của ADB, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 5,8% năm 2024 và nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới.

Các nhận định trên là có cơ sở bởi theo ông Vũ Hoàng Dũng, Việt Nam đang có 4 động lực thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2024 như sản xuất và xuất khẩu phục hồi, nhu cầu tiêu dùng nội địa gia tăng, thị trường bất động sản phục hồi và sự tăng trưởng trở lại của đầu tư tư nhân.

Trong đó rõ nhất là sự phục hồi hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Hoạt động sản xuất và xuất khẩu sẽ ngày càng được phát triển nhờ lạm phát giảm, đơn đặt hàng ở bên ngoài tăng. Xuất khẩu phục hồi kích thích nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất. Vốn FDI tiếp tục tăng góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi sản xuất và xuất khẩu.

Quy mô GDP các nước khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2022-2024 theo dự báo của IMF. Nguồn: IMF

Với thị trường bất động sản, Chính phủ đang tiếp tục tích cực xử lí những vướng mắc pháp lí liên quan đến kinh doanh bất động sản, tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp cần thiết nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của các chủ thể trên thị trường bất động sản. Lãi suất thấp, thị trường trái phiếu ấm lên sẽ là cơ hội tốt cho thị trường bất động sản phát triển.

So với mục tiêu 6-6,5% mà Quốc hội thông qua, TS Nguyễn Hữu Thọ và nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cũng đưa ra kịch bản tăng trưởng GDP cao cho năm 2024 là 6,5%. Đồng thời đề xuất Chính phủ đề xuất tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tập trung nhiều hơn các động lực tăng trưởng kinh tế; thúc đẩy tiếp tục cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh.

Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam - ông Ramla Khalidi cho rằng Việt Nam cũng có thể tăng cường thu hút đầu tư, tận dụng những công nghệ tiên tiến như công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo,… nhằm khai thác hiệu quả các cơ hội này để phát triển ở mức cao hơn, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn