MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quỹ đất khu công nghiệp ở TPHCM dần bị thu hẹp. Ảnh: L.T

Nhiều dự án đầu tư tại các KCN ở TPHCM phải dừng vì dịch COVID-19

B.Chương LDO | 16/01/2022 07:10

Do khó khăn và ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đã có đến 30 dự án đầu tư trong và ngoài nước trong các khu công nghiệp và khu chế xuất trên địa bàn TPHCM đã phải chấm dứt hoạt động.

Theo thông tin từ Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (Hepza), trong năm 2021 vừa qua, Ban Quản lý đã chấm dứt hoạt động 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 26,32 triệu USD và 21 dự án vốn trong nước với vốn đầu tư 876,34 tỉ đồng. Nguyên nhân là do hoạt động không hiệu quả, hết thời hạn thuê đất, thay đổi mục tiêu dự án. Đặc biệt, trong đó đáng chú ý, có 4 dự án chấm dứt hoạt động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Trong năm 2021, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, các KCX-KCN trên địa bàn thành phố thu hút vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh đạt 600,79 triệu USD, tăng 9,23% so với kế hoạch đề ra, nhưng giảm hơn so với năm 2020 (760,05 triệu USD). Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài đạt 220,26 triệu USD, cấp mới 14 dự án với vốn đầu tư đăng ký 153,14 triệu USD. Bên cạnh sự ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19 thì nguyên nhân sụt giảm dòng vốn đầu tư còn xuất phát từ các khó khăn về quỹ đất chưa được tháo gỡ khiến quỹ đất thu hút đầu tư vào KCX, KCN ngày càng thu hẹp.

Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, quỹ đất công nghiệp của thành phố ngày càng hạn chế. Tới thời điểm hiện nay, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất chỉ còn khoảng 300ha đất có thể cho thuê, khai thác được. Trong khi quy hoạch của thành phố có 5.800ha đất công nghiệp. Thành phố hiện có 19 trên tổng số 23 khu chế xuất và khu công nghiệp đã được thành lập với tổng diện tích hơn 4.500ha, chiếm 76,78% quy mô diện tích đất quy hoạch dành cho phát triển khu công nghiệp tính đến năm 2020 (hơn 5.900ha). Trong đó, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê là 63%. Hiện, thành phố còn 4 khu công nghiệp chưa thành lập. Trong đó, 3 khu đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương không thực hiện quy hoạch, đó là: Bàu Đưng (175ha), Phước Hiệp (200ha), Xuân Thới Thượng (300ha). Đây là những dự án đã nằm trong quy hoạch 13 năm nhưng chưa được triển khai. Ngoài ra, giá thuê đất cao đã ảnh hưởng đến thu hút đầu tư vào các KCX, KCN.

Ông Hứa Quốc Hưng - Trưởng ban quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp TP HCM - cho biết, năm 2022, Ban Quản lý các KCX và KCN thành phố, đặt mục tiêu thu hút đầu tư 500 triệu USD. Hepza sẽ tập trung tham mưu cho thành phố để kiến nghị Chính phủ thành lập khu công nghiệp mới Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh). Khu này có quy mô 668ha và 90ha là khu dân cư liền kề, nhà trọ, nhà ở cho công nhân.

Khu công nghiệp Phạm Văn Hai dự kiến hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, tập trung thu hút đầu tư ngành điện, điện tử, cơ khí tự động hóa, hỗ trợ khởi nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, ngành công nghiệp hỗ trợ không thâm dụng lao động và không gây ô nhiễm môi trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn