MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều đường bay nội địa đã đạt trên 80% công suất. Ảnh ĐT

Nhiều đường bay nội địa đã đạt trên 80% công suất

Minh Hạnh LDO | 30/05/2020 18:30
Đó là khẳng định của ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam tại buổi tọa đàm “Hàng không Việt trỗi dậy và sự phục hồi kinh tế”, chiều 30.5.2020. 

Tuy nhiên, do nhiều nước chưa khống chế được dịch bệnh, đã gây khó khăn cho hàng không Việt vì chưa khôi phục được thị trường hàng không quốc tế, nên tổng thể thị trường thì vẫn còn nhiều khó khăn. Chỉ khi mở được thị trường thì mới tự tin phục hồi.

Do ảnh hưởng tiêu cực của COVID-19, ngành hàng không thế giới vẫn còn "án binh bất động", hàng không Việt Nam đã nhanh chóng hoạt động trở lại, không chỉ khai thác tất cả đường bay nội địa mà còn chuẩn bị sẵn sàng phục hồi các đường bay quốc tế. Ngành hàng không đang trở thành bệ phóng thúc đẩy nhiều lĩnh vực khác phát triển, góp phần khôi phục nền kinh tế, trong đó có du lịch.

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho rằng cơ quan nhà nước luôn tạo điều kiện tối đa để tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam, đồng thời chia sẻ với các doanh nghiệp dịch vụ hàng không như cảng hàng không, công ty phục vụ mặt đất, cung cấp suất ăn... Hiện hàng không thế giới đang phải chịu tác động của dịch bệnh COVID-19, Hàng không Việt đang có sự trỗi dậy mạnh mẽ với các đường bay nội địa, cụ thể tại đường bay Côn Đảo mỗi ngày có 21 chuyến bay từ TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ nối Côn Đảo. Đây là nỗ lực lớn của ngành hàng không sau 4 tuần hoạt động trở lại.

Cũng theo ông Võ Huy Cường, hiện chúng ta có Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways, sau nới lỏng cách ly xã hội, Vietnam Airlines và Bamboo Airways có đề xuất mở đường bay mới, nối liền các địa phương với nhau từ Hà Nội sau đó là TP. Hồ Chí Minh. Nhưng, hiện Bamboo Airways còn hơn 50% tàu bay chưa khai thác, VietJet Air tương tự và tỉ lệ này với Vietnam Airlines lớn hơn. Chỉ có khi các hãng được cất cánh thì vấn đề về cơ sở hạ tầng mới được giải quyết. Nội địa đã có sự trỗi dậy, thấy được sức bật của ngành hàng không.

"Chúng ta còn nhiều khó khăn. Chúng ta mong chờ thị trường quốc tế mở cửa thì mới có hy vọng phục hồi. Thông thường thị trường cao điểm vào tháng 5, tháng 6, tháng 7.2020. Hy vọng sẽ có điều chỉnh như kéo dài mùa hè, cho học sinh đi học muộn thì sẽ có cơ hội phát triển trở lại", ông Cường bày tỏ.

Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đánh giá: “Dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế là quá to lớn, trong đó, ngành hàng không và du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất, không chỉ là ngành không có doanh thu mà chi phí phải bỏ ra để nuôi sống, giữ ngành hàng không là cực kỳ khó khăn để vượt qua”. Hiện ngành hàng không quốc tế vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng riêng với ngành hàng không Việt Nam thì lại rất may mắn bởi chúng ta kiểm soát tốt được dịch COVID-19 để phục hồi lại ngành dịch vụ, trong đó, phải kể đến là ngành du lịch.

“Hiện, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc)... có chiều dài lãnh thổ ngắn nên phục hồi rất khó khăn. Trong khi Việt Nam là một đất nước có chiều dài rất lớn, do đó, thị trường hàng không nội địa là yếu tố rất quan trọng giúp cho ngành hàng không Việt Nam phục hồi nhanh, bù đắp vào lỗ hổng thị trường quốc tế”, TS Trần Du Lịch cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn