MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp Hàn Quốc với Tổng cục Thuế. Ảnh: Tổng cục Thuế.

Nhiều giải pháp gỡ vướng "chưa từng có tiền lệ" cho doanh nghiệp Hàn Quốc

Huyền Mai LDO | 01/03/2024 09:30

Tại buổi đối thoại giữa Tổng cục Thuế và đại diện các doanh nghiệp Hàn Quốc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn sau khi lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp gỡ vướng.

Rào cản về thuế đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc

Chiều 29.2, tại Hội nghị đối thoại với Tổng cục Thuế, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam - ông Choi Youngsam trao đổi về khó khăn của các doanh nghiệp Hàn Quốc với các vấn đề liên quan đến ưu đãi giảm thuế thu nhập, hoàn thuế VAT chậm ở một số địa phương.

Theo đó, ông Choi khẳng định rằng nhờ có sự hỗ trợ từ các cơ quan thuế và hải quan tại địa phương, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã tạo dựng và củng cố được nền tảng kinh doanh tại nhiều lĩnh vực. Song, vẫn còn nhiều khó khăn tồn đọng.

Ông Choi cho biết, một vài các doanh nghiệp đã gặp phải những khó khăn liên quan đến miễn giảm thuế thu nhập cá nhân hiện đã bị hủy và việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT).

Ông Choi Youngsam, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, phát biểu tại hội nghị đối thoại. Ảnh: Tổng cục Thuế

Đây không phải là vấn đề mới khi các công ty Hàn Quốc đã từng phản ánh tới lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh. Một trong những lý do khiến những công ty này bị chậm hoàn thuế có thể kể đến là do sự chậm trễ của việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khiến các doanh nghiệp không đủ điều kiện pháp lý xin hoàn thuế.

Ngoài vấn đề hoàn thuế, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng gặp khó khăn trong quy định đưa tiền hợp đồng nhà thầu vào danh mục thu nhập chịu thuế hay đánh thuế hai lần với thu nhập phụ thu từ hoạt động vận chuyển quốc tế.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp này không được khấu trừ tính thuế thu nhập doanh nghiệp nếu số giờ làm thêm của mỗi lao động vượt 200 giờ một năm. Đại diện Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KoCham) cho rằng đây là một khó khăn lớn vì việc tăng giờ lao động đối với các doanh nghiệp là không thể tránh khỏi để đảm bảo đơn hàng do thiếu nguồn nhân lực.

Giải đáp các vướng mắc

Tại cuộc đối thoại, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn đã giải đáp những vướng mắc của các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Theo Thứ trưởng, Bộ đã tiếp thu và xử lý nhiều trường hợp khó khăn của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam và đưa ra những giải pháp gỡ rối “chưa có tiền lệ” cho các doanh nghiệp.

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn trả lời đối thoại tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc. Ảnh: Tổng cục Thuế

Ông Mai Sơn - Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế - đưa ra giải đáp về chính sách hoàn thuế với các dự án đầu tư mở rộng. Ông cho biết các cơ quan có thẩm quyền đang xem xét về dự kiến hoàn thuế cho các doanh nghiệp.

Về vấn đề giờ làm vượt mức, ông Sơn đề nghị các doanh nghiệp “cần tìm giải pháp để hài hòa giữa quy định và đảm bảo sức khỏe cho người lao động.” Theo ông Sơn, quy định được đưa ra là mỗi người lao động không được làm thêm quá 200 giờ/người/năm, công việc đặc thù không quá 300 giờ/người/năm.

Ngoài ra, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn chia sẻ, Hàn Quốc hiện đang là một trong tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang có đầu tư vào Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.

Tiếp lời Thứ trưởng, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Youngsam cho rằng các doanh nghiệp sẽ đánh giá môi trường đầu tư tại Việt Nam bằng cách quan sát các quyết định của các đơn vị hiện hữu. Ông Choi khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường đầu tư mở rộng của các công ty đã rót vốn, là động lực để phát triển đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Theo đó, ông Choi cho rằng nền hành chính thuế cần minh bạch, rõ ràng để giúp phát triển đầu tư. Ông khuyến nghị Việt Nam cần duy trì nền sinh thái kinh tế ổn định để các doanh nghiệp hoạt động năng động, mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo nguồn thu ngân sách ổn định.

Trả lời Đại sứ Hàn Quốc, Thứ trưởng cam kết sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, cải cách những thiếu sót hướng tới một thị trường bình đẳng, rộng mở cho các doanh nghiệp; các nội dung vượt thẩm quyền sẽ được ghi nhận, báo cáo Bộ Tài chính và xem xét trình Chính phủ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn