MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhãn được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP cho ra chùm nhãn sai trĩu cành, quả to, căng tròn. Ảnh: Trọng Văn

Nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nhãn cho nông dân Sơn La

Trọng Văn LDO | 07/09/2021 08:11
Các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) tại huyện Yên Châu (Sơn La) đang tích cực đồng hành, hỗ trợ người dân tiêu thụ nhãn, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Thời điểm này, huyện Yên Châu (tỉnh Sơn La) đang vào chính vụ thu hoạch nhãn. Năm nay, thời tiết khí hậu thuận lợi, người dân trong xã áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nên nhãn sai quả, đẹp mắt.

Đến HTX Phương Nam, bản Pha Khúng (Lóng Phiêng, Yên Châu), tại đây những đồi nhãn rộng ngút tầm mắt, những chùm nhãn sai trĩu quả sản xuất theo quy trình VietGAP đang vào độ chín. Người dân đang tấp nập thu nhãn bán, tất cả đều được HTX bao tiêu sản phẩm.

Ông Trần Thế Quang - Chủ tịch UBND xã Lóng Phiêng - cho biết: “Hiện nay, mỗi ngày trong xã có 3 điểm thu mua. Trung bình gần 100 tấn nhãn tươi tiêu thụ tại các chợ đầu mối của tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hà Nội, với giá bán từ 8.000-12.000 đồng/kg. Ngoài ra, trong xã có 4 lò sấy long, tiêu thụ trên 30 tấn nhãn tươi/ngày. Đến nay, toàn xã đã tiêu thụ hơn 359 tấn nhãn”.

Tại một HTX khác tên Thanh Sơn (xã Tú Nang, Yên Châu), 90ha nhãn đang bước vào vụ thu hoạch, sản lượng nhãn đạt gần 1.000 tấn/năm.

Ông Nguyễn Văn Thuật - Giám đốc HTX Thanh Sơn - cho biết, nhãn của HTX rất tự tin vì chất lượng được trồng theo hướng hữu cơ, mẫu mã quả đẹp, độ đường cao, ngọt. Do dịch bệnh, HTX năm nay tiêu thụ chậm, mỗi ngày, đơn vị thu mua hơn 5 tấn nhãn tươi bán ở chợ đầu mối tại tỉnh ở Lạng Sơn, Nghệ An, Thanh Hóa và Hà Nội. Hiện HTX đang tiếp tục liên kết với các bạn hàng, thương lái để tiêu thụ nhãn cho các thành viên.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hanh, bản Hua Đán, xã Tú Nang có hơn 6ha nhãn, đã mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình ông từ hơn 10 năm nay. Ông Hanh cho hay: “Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, dù giá nhãn 2 năm gần đây không ổn định, nhưng hiệu quả kinh tế vẫn cao hơn so với cây ngô, cây sắn. Năm nay, gia đình tôi dự kiến sẽ thu hơn 60 tấn nhãn, mỗi ngày gia đình tôi cũng được các thương lái thu mua tại vườn với giá trung bình 10.000 đồng/kg”.

Theo thống kê, toàn huyện Yên Châu có 2.165ha nhãn, tập trung tại các xã: Lóng Phiêng, Tú Nang, Chiềng Hặc, Yên Sơn, Chiềng Pằn, Phiêng Khoài, Chiềng Đông. Sản lượng đạt trên 15.000 tấn.

Hằng năm, huyện đã hướng dẫn các hộ dân và HTX triển khai các mô hình tưới ẩm, tưới tiết kiệm; áp dụng quy trình sản xuất an toàn, sản xuất theo hướng hữu cơ, hỗ trợ xây dựng quy trình, cấp giấy chứng nhận VietGAP cho gần 200ha nhãn.

Tính từ đầu vụ đến nay, sản lượng nhãn được tiêu thụ trên địa bàn toàn huyện Yên Châu đạt trên 7.300 tấn, trong đó, có hơn 10 HTX trong huyện đứng ra thu mua bán tại hệ thống siêu thị, các chợ đầu mối tại các tỉnh, thành phố; một số doanh nghiệp.

Các HTX trên địa bàn huyện cũng đầu tư gần 20 lò sấy long nhãn và tiêu thụ, chủ động chế biến các sản phẩm quả tươi, góp phần giảm áp lực tiêu thụ quả tươi, tạo việc làm và thu nhập tại chỗ cho người dân địa phương.

Trao đổi với PV, ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu cho biết: “Huyện chủ động mời các doanh nghiệp có mối liên hệ từ các năm trước, các đơn vị đầu mối, hệ thống các siêu thị tại Hà Nội, các tỉnh khảo sát nguyên liệu và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, triển khai các văn bản của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông Vận tải về cấp thẻ nhận diện phương tiện, phân luồng xanh đối với các tỉnh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 ngày 31.3.2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn