MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các địa phương đang tập trung nhiều giải pháp tăng thu ngân sách những tháng cuối năm. Ảnh: Ban quản lý khu công nghiệp Bắc Ninh.

Nhiều giải pháp tăng tốc thu ngân sách các tháng cuối năm

TRÍ MINH LDO | 06/10/2023 17:36

Nhiều khoản thu ngân sách đang tỏ ra hụt hơi sau 9 tháng. Các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp để tăng tốc thu ngân sách trong những tháng cuối năm.

Theo đó, hoạt động xuất nhập khẩu 9 tháng giảm so cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tính đến 15.9 đạt 461,1 tỉ USD, giảm 11,9%; trong đó kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá có thuế giảm 18,8% so cùng kỳ.

Một số mặt hàng nhập khẩu có thuế đóng góp số thu lớn cho ngân sách giảm mạnh, tác động làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước khoảng 34 nghìn tỉ đồng so cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.223,8 nghìn tỉ đồng, bằng 75,5% dự toán, giảm 8,3% so cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, thu nội địa ước đạt 1.013,7 nghìn tỉ đồng, bằng 76% dự toán, giảm 3,2% so cùng kỳ năm 2022; thu từ dầu thô ước đạt khoảng 46 nghìn tỉ đồng, bằng 109,5% dự toán, giảm 22,5% so cùng kỳ năm 2022;

Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 163,8 nghìn tỉ đồng, bằng 68,5% dự toán, giảm 26,3% so cùng kỳ năm 2022.

Về số thu trên địa bàn, ước tính có 25/63 địa phương thực hiện thu nội địa 9 tháng đạt trên 76% dự toán; 11/63 địa phương có tăng trưởng thu so cùng kỳ, trong khi có tới 52 địa phương thu thấp hơn so cùng kỳ.

Trong bối cảnh trên, các địa phương hiện cũng đang tăng cường các giải pháp thu ngân sách nhà nước và điều hành ngân sách địa phương những tháng cuối năm.

Điển hình như mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ra chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương trực thuộc thực hiện nghiêm các quy định của các Luật thuế, Luật Quản lý Thuế và pháp luật có liên quan, tăng cường công tác quản lý thu phù hợp với lĩnh vực, địa bàn, đối tượng, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào ngân sách Nhà nước;

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu của quy trình quản lý thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.

"Cục Thuế, Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh phối hợp chặt chẽ với Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng thương mại trong việc phối hợp thu thuế bằng phương pháp điện tử, thực hiện điều chỉnh hoặc hạch toán đối với các trường hợp doanh nghiệp nộp nhầm, nộp thừa để đảm bảo thu đúng, thu đủ từ thuế.

Tập trung xử lý các vướng mắc để kịp thời triển khai ngay đấu giá các dự án đất, các dự án đất dân cư dịch vụ, đất dự án BT... để tạo nguồn thu cho ngân sách" - UBDN tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo.

Phía ngành Thuế cũng tăng cường công tác quản lý thu, thanh tra, kiểm tra thuế, rà soát các nguồn thu, chống thất thu, phấn đấu tăng thu ở các lĩnh vực, địa bàn có điều kiện để bù đắp số giảm thu do thực hiện chính sách hỗ trợ.

Trong khi đó, tại Bắc Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn đã có chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế; hỗ trợ tạo điều kiện để người nộp thuế phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu cho ngân sách;

Phối hợp triển khai các biện pháp đôn đốc, xử lý nợ và cưỡng chế thu hồi nợ thuế, nợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất... của các doanh nghiệp, các dự án có số nợ lớn thời gian kéo dài;

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, chú trọng đến công tác thanh tra chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;

Tăng cường thực hiện kiểm tra tại trụ sở cơ quan Thuế đối với hồ sơ khai thuế của người nộp thuế và đôn đốc thực hiện nghiêm các kết luận sau thanh tra, kiểm tra;

Tiếp tục tăng cường sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa các sở, ban, ngành và địa phương để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế trên từng địa bàn, từng lĩnh vực thu;…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn