MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhiều hệ lụy từ các trang trại "trá hình" để lắp điện mặt trời ở Tây Nguyên

BẢO TRUNG LDO | 24/06/2021 19:49

Ở các tỉnh lớn nhất vùng Tây Nguyên là Đắk Lắk và Gia Lai đang có thực trạng doanh nghiệp lập dự án làm trang trại, nhưng không hoạt động nuôi trồng ở đất nông nghiệp. Thay vào đó, chủ đầu tư lại lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) quy mô lớn để thu lợi nhuận trái luật.

Tràn lan dự án "trá hình" nhưng chưa thể xử lý

Đắk Lắk hiện có hơn 360 đơn vị đăng ký xây dựng trang trại lắp đặt hệ thống ĐMTMN. Theo Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn và Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk, đoàn kiểm tra liên ngành qua kiểm tra đã phát hiện một số nơi chưa hoàn thiện các hạng mục sản xuất trang trại nhưng chỉ chủ yếu tập trung lắp hệ thống pin ĐMTMN.

Có địa điểm còn chưa hoàn thiện thủ tục xác nhận trang trại, chưa triển khai trồng trọt, chăn nuôi theo phương án đã được phê duyệt vẫn đang trong giai đoạn thi công (chủ yếu thi công phần ĐMTMN) nhưng đều được đấu nối với điện lực.

Trả lời phóng viên Báo Lao Động sáng 24.6, đại diện cả 2 sở làm điện mặt trời trên mái nhà trang trại ở Đắk Lắk cho rằng vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, giải quyết, xử lý các sai phạm...

Toàn cảnh một số dự án điện mặt trời được triển khai xây dựng trên đất nông nghiệp tại Đắk Lắk. Ảnh: B.T

Tại tỉnh Gia Lai, đang có đến 302/431 (gần 3/4) công trình điện mặt trời mái nhà trên "các công trình nông nghiệp chưa triển khai có hoạt động kinh tế trang trại". Nhiều dự án chưa có hoạt động kinh tế trang trại, hồ sơ chất lượng chưa đảm bảo, kết cấu công trình yếu… Các dự án được nghiệm thu, đấu nối để hợp đồng bán điện ra thị trường, theo mạng lưới điện của Điện lực Gia Lai.

Lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh này đánh giá, kết quả rà soát số liệu về trang trại do các huyện báo cáo chưa đầy đủ, chưa đúng với thực tế so với kết quả của đoàn công tác đi kiểm tra. Cơ quan chức năng địa phương vẫn đang tổng hợp, báo cáo tình hình dự án điện mặt trời, các khó khăn, vướng mắc, hạn chế... để báo cáo lên UBND tỉnh và Bộ Công thương.

Nhiều hệ lụy

Trao đổi với Lao Động, luật sư Tạ Quang Tòng - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk - nhận định: "Việc tập trung phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện năng lượng mặt trời là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, đang có nhiều doanh nghiệp lợi dụng để làm các dự án quy mô lớn ngay trên trang trại một cách trái phép.

This browser does not support the video element.

Khuyến cáo của Điện lực Đắk Lắk dành cho những người dân, doanh nghiệp muốn lắp đặt điện mặt trời mái nhà và hình ảnh một số dự án điện mặt trời trên đất nông nghiệp ở địa phương. Video: B.T

Theo quy định, người dân, doanh nghiệp chỉ được tận dụng mái nhà trang trại để lắp đặt điện mặt trời. Trang trại đương nhiên là để nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt phát triển kinh tế, nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã lập dự án trang trại, nhưng rồi chỉ để lắp đặt ĐMTMN, thu lợi nhuận mà không có bất kỳ hoạt động nuôi trồng nào".

Các cơ sở kinh doanh năng lượng tái tạo (điện mặt trời) không làm đúng quy định khi không xây dựng trang trại nuôi trồng trên đất nông nghiệp mà chỉ làm điện mặt trời thì hành vi này đã vi phạm quy định của Nhà nước. Và cần phải có các quy định, chế tài cụ thể hơn để xử lý nghiêm các trường hợp này.

Hiện, Nhà nước đang có biện pháp giảm giá điện mặt trời khi được đấu nối với điện lực; tạm dừng việc đấu nối để kiểm tra tổng dung lượng và năng suất tiếp nhận lượng điện lẫn năng lực truyền tải... nhằm ngăn chặn vấn nạn trên. Tuy nhiên, các trường hợp vi phạm phải bị xử lý nghiêm để pháp luật được thực hiện một cách nghiêm minh- luật sư Tòng cho hay.

Một loạt dự án điện mặt trời được lắp đặt dày đặc ở TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk khi nhìn từ trên cao. Ảnh: B.T

Lắp điện mặt trời trên đất nông nghiệp mà không trồng trọt chăn, nuôi sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ đó là sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp. Trường hợp này theo quy định của luật đất đai thì sẽ bị nhà nước thu hồi. Ngoài ra, trên đất nông nghiệp nhưng không có hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ làm lãng phí quỹ đất của địa phương, mất diện tích canh tác của những người có nhu cầu, luật sư Tòng nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn