MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhiều hộ sản xuất lồng đèn truyền thống không còn mặn mà với nghề

PHƯƠNG NGÂN LDO | 10/08/2022 06:20

TPHCM - Hơn 50 năm hình thành, làng nghề sản xuất lồng đèn truyền thống Phú Bình - nơi cung cấp lồng đèn lớn nhất tại TPHCM và các tỉnh, nay chỉ còn vài hộ bám nghề.

Những năm trước đây, cứ đến tháng 5, làng sản xuất lồng đèn Phú Bình (quận 11, TPHCM) bắt đầu nhộn nhịp. Nhà nào cũng luôn rực rỡ màu sắc của những chùm lồng đèn kính đủ màu, đủ hình dáng treo lơ lửng trước nhà, chờ xe chở hàng đến giao đi các tỉnh.

Gia đình chị Thu có 3 đời làm lồng đèn truyền thống. Ảnh: PN

Không cầu kỳ, không có tiếng nhạc vui tai như những chiếc lồng đèn điện tử ngoại nhập, nhưng những chiếc lồng đèn kính truyền thống luôn mang lại cho người dùng, người ngắm ký ức về một mùa Trung thu ấm áp, đầy tiếng cười trẻ thơ.

Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh gay gắt của các loại lồng đèn điện tử với mẫu mã, màu sắc đa dạng, âm thanh vui tai và giá thành rẻ, làng sản xuất lồng đèn truyền thống lớn nhất TPHCM dần bị thu hẹp. Cả trăm hộ sản xuất nay chỉ còn vài hộ mặn mà với nghề thủ công đầy mồ hôi nhưng thấm đượm ký ức của bao thế hệ.

 Những chiếc lồng đèn được một hộ sản xuất chuẩn bị giao cho khách. Ảnh: PN 

Chị Nguyễn Kim Thu (43 tuổi) chia sẻ: "Tôi đã theo nghề làm lồng đèn hơn 20 năm, đến đời tôi là đời thứ 3 làm lồng đèn truyền thống. Các con tôi cũng biết nghề nhưng các cháu được đi học, không biết sau này có tiếp tục nối nghề gia đình hay không".

Theo chị Thu, trước đây, làng nghề này có cả trăm hộ sản xuất nhưng công việc vất vả và bị cạnh tranh gay gắt bởi lồng đèn điện tử nên nhiều hộ đã bỏ nghề, có người còn bán nhà đi nơi khác.

Để làm được một chiếc lồng đèn kính truyền thống phải trải qua nhiều công đoạn, tất cả đều làm bằng tay, từ công đoạn phơi tre, vót tre đến tạo hình, dán kính, khắc hoa văn... đều được những thành viên trong gia đình chị Thu chia nhau làm. Trung bình, một ngày gia đình chị (5 người) sản xuất được hơn 100 chiếc lồng đèn truyền thống, khi nhiều đơn đặt hàng làm không kịp, chị sẽ thuê người gia công.

Những chiếc lồng đèn kính truyền thống luôn mang lại một miền ký ức về mùa Trung thu ấm áp. Ảnh: PN 

Nhiều người bỏ nghề cha truyền con nối này để chuyển sang nghề khác, nhưng với chị Thu, cứ mỗi độ Trung thu đến trong lòng chị nôn nao muốn làm lồng đèn. Cái nghề đã ăn sâu vào trong khiến chị không thể bỏ.

"Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và cạnh trạnh với những chiếc lồng đèn điện tử, chúng tôi phải thiết kế thêm nhiều mẫu mã hơn và nhận làm lồng đèn theo kiểu dáng mà khách yêu cầu" - một nghệ nhân làm lồng đèn nói.

Mặc dù, ngày nay công nghệ phát triển, nhiều máy móc để sản xuất ra đời giúp rút ngắn thời gian và công sức. Tuy nhiên, máy móc với giá thành cao còn lợi nhuận từ việc làm lồng đèn truyền thống thấp, đầu ra chịu sự cạnh tranh gây gắt khiến các hộ sản xuất dè chừng không sắm máy móc. Thay vào đó là thuê người gia công hoặc các thành viên trong gia đình cùng chia nhau từng công đoạn để lấy công làm lời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn