MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hành khách tại nhà chờ sân bay Nội Bài. Ảnh: hải Nguyễn

Nhiều kịch bản hỗ trợ doanh nghiệp tăng trưởng

Minh Hạnh – Cẩm Hà LDO | 14/02/2020 17:22
Dịch viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 đã bước sang tuần thứ ba kể từ sau Tết Nguyên đán 2020, khiến hoạt động của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn. Đặc biệt là các doanh nghiệp ngành Giao thông Vận tải như đường bộ và hàng không. Các doanh nghiệp đã tự xây dựng nhiều kịch bản để giữ mục tiêu tăng trưởng. Cùng đó ngân hàng cũng có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng.

Vận tải lao đao

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trước khi có dịch COVID-19, thị trường hàng không Việt Nam - Trung Quốc có 14 hãng của cả hai nước tham gia khai thác, trong đó có 11 hãng Trung Quốc (tổng tần suất đạt 240 chuyến/chiều/tuần) và 3 hãng nội địa gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và Vietjet Air (khai thác 72 đường bay từ 5 điểm tại Việt Nam đến 48 điểm tại Trung Quốc, với tổng tần suất đạt 276 chuyến/ chiều/ tuần thường lệ và 145 chuyến/ tuần/ chiều không thường lệ).

Thị trường hàng không Việt Nam - Trung Quốc chiếm trên 18% thị trường quốc tế và chiếm tới 26,1% sản lượng vận chuyển quốc tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, sau khi hủy toàn bộ phép bay đã cấp và không cấp phép bay mới cho các hãng hàng không hai nước khai thác các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc từ ngày 1.2.2020 và dừng nhập cảnh hành khách đã qua Trung Quốc trong vòng 14 ngày đã khiến các hãng hàng không Việt Nam sụt giảm sản lượng, doanh thu từ hành khách.

Chỉ một tuần sau khi dừng khai thác Trung Quốc (từ ngày 1 đến 7.2.2020), tổng thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam đạt 1,95 triệu khách (giảm 4,5% so cùng kỳ năm 2019, trong đó riêng thị trường quốc tế giảm 14,1%).

Sản lượng vận chuyển của các hãng không Việt Nam đạt 1,06 triệu khách (giảm 4%, trong đó vận chuyển quốc tế giảm 28% so cùng kỳ năm 2019). Đại diện Cục Hàng không cho rằng việc dừng khai thác thị trường này khiến các hãng hàng không Việt Nam mất doanh thu của trung bình 400.000 khách/tháng.

Đó là chưa kể đến một lượng không nhỏ doanh thu từ nguồn khách này trên các đường bay nội địa. Các hãng hàng không Việt Nam còn phải mất thêm nhiều chi phí liên quan đến việc hoàn trả, hủy vé cho khách đã đặt chỗ, chi phí liên quan đến công tác vệ sinh phòng dịch…

Cùng đó, hiện các cảng biển đang nằm trong giai đoạn thấp điểm vì phần lớn hàng hoá đã được giải phóng trước Tết, nhưng nếu dịch bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn vận tải biển, vì hiện đường bộ xuyên biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc những ngày qua bị ách tắc và có thể hàng nông sản sẽ được chuyển sang vận chuyển bằng đường biển.

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Cục Hàng không đã có kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng cho phép thực hiện cơ chế giảm giá các dịch vụ do Nhà nước quản lý.

Thêm nhiều chính sách hỗ trợ vay vốn

Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Công văn 541 ngày 4.2 nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục ảnh hưởng dịch bệnh do virus COVID-19 gây ra, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia (CIC) ngày 13.2 cho biết bắt đầu triển khai giải pháp giảm mức thu dịch vụ thông tin tín dụng.

Giải pháp này ngoài việc giúp các ngân hàng giảm chi phí, hạ lãi suất còn gián tiếp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp. Theo CIC, mức giảm cụ thể theo bậc thang từ 5% đến 20% tổng mức thu dịch vụ thông tin tín dụng theo từng ngân hàng và số tiền hỗ trợ sẽ được giảm trực tiếp trên tổng số tiền phải thanh toán hàng tháng trong thời gian hỗ trợ trên nguyên tắc mức khai thác càng nhiều, tỉ lệ giảm càng lớn. Thời gian giảm mức thu kéo dài từ tháng 1.2020 đến hết tháng 4.2020.

Nhiều ngân hàng như: Vietcombank, Agribank, KienLongBank, VPBank, ABBank và Eximbank cũng đang triển khai việc giảm lãi suất cho vay từ thấp nhất 0,5%/năm đến cao nhất 3%/năm nhằm hỗ trợ các khách hàng vay vốn khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh.

Mức hỗ trợ cụ thể sẽ do từng ngân hàng xem xét với từng đơn vị trong lĩnh vực cụ thể, tập trung vào đối tượng là các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh thuộc các lĩnh vực vận tải kho bãi; dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn; thực phẩm và đồ uống có cồn; xuất nhập khẩu chủ yếu với thị trường Trung Quốc thuộc các lĩnh vực như sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dệt may, da giày. “Đây là những ngành đang chịu nhiều tác động tiêu cực nhất từ diễn biến dịch COVID-19 gây ra hiện nay” - lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ.

Cho đến nay, hoạt động hỗ trợ của các ngân hàng vẫn là các chính sách riêng lẻ được từng ngân hàng đưa ra dựa trên khả năng nguồn vốn và tình hình tài chính thực tế của mỗi ngân hàng. Việc này khiến mức giảm lãi suất cũng như thời gian giảm, đối tượng cụ thể được giảm lãi suất cho vay là rất khác nhau giữa các ngân hàng. Theo yêu cầu của Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú tại buổi làm việc với 21 ngân hàng có dư nợ cho vay lớn trong nền kinh tế mới đây, các vụ chức năng của NHNN hiện đang nghiên cứu xây dựng dự thảo cơ chế hỗ trợ cho các đối tượng vay vốn ngân hàng bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19. 

Theo Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT) - ông Đỗ Nhất Hoàng - trong tháng 1.2020, Việt Nam đã thu hút được 5,33 tỉ vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng nếu dịch bệnh kéo dài thì sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư nước ngoài, hiện các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư tiềm năng như hội thảo xúc tiến thương mại, diễn đàn xúc tiến đầu tư của các nhà đầu tư Trung Quốc nói riêng và các nhà đầu tư khác nhiều khả năng sẽ bị trì hoãn. Cùng đó, nhu cầu tiêu dùng, nhất là đối với các mặt hàng không thiết yếu sẽ giảm mạnh khiến hàng hoá tồn kho, sản xuất đình trệ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn