MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhiều ngân hàng giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua COVID-19

Trà My LDO | 13/07/2021 11:13

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, các ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn. Đợt giảm lãi suất lần này sẽ tập trung vào các doanh nghiệp đang chịu tác động nặng nề từ đại dịch.

“Đại dịch COVID-19 đang có tác động tiêu cực tới nền kinh tế nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng. Hiện nay, việc giảm lãi suất là khó nhưng lúc này cần sự chia sẻ, cảm thông của ngành Ngân hàng đối với những khó khăn của doanh nghiệp” - ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết.

Trước đó, ngày 29.6.2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Trong đó, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp về tín dụng để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp; khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Viết Mạnh - Thành viên Hội đồng thành viên Agribank - cho biết, ngay sau cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước về triển khai Nghị quyết 63, Agribank đã họp và thống nhất giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. “Hội đồng thành viên của Agribank sẽ họp để đưa ra mức giảm lãi suất, có khoản sẽ giảm 0,5%, có khoản sẽ giảm 2 – 2,5%. Tính trung bình, lãi suất cho vay của ngân hàng sẽ giảm khoảng 1%” - ông nóii.

Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng Giám đốc MB nói: “Tại MB, những đối tượng khách hàng cần lãi suất thấp đã được tiếp cận rồi. Trước mắt, MB sẽ hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp gặp khó khăn không có doanh thu hoặc doanh thu giảm (ví như doanh nghiệp trong lĩnh vực lưu trú, dịch vụ…) với mức lãi suất có thể giảm 1% hoặc hơn, đối tượng được hỗ trợ lãi suất tiếp theo là sản xuất và khách hàng cá nhân (đối tượng trả góp từ lương). Tùy từng tệp khách hàng của mình, ngân hàng sẽ lựa chọn doanh nghiệp gặp khó khăn để có chính sách hỗ trợ lãi suất phù hợp”.

Ông Phạm Quang Thắng - Phó Tổng Giám đốc Techcombank cho hay, tính đến nay, Techcombank đã dành hơn 100 tỉ đồng cho các hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19. Techcombank cũng tái cơ cấu, giãn nợ, đảm bảo nguồn tín dụng để giúp khách hàng có đủ dòng tiền kinh doanh trong lúc khó khăn. Từ khi đại dịch bùng phát (đầu năm 2020), Techcombank đã giảm lãi suất, đến nay lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp trong nhóm lĩnh vực ưu tiên đang dưới 4,5%/năm; các lĩnh vực kinh tế thiết yếu lãi suất cho vay vào khoảng 6-7%/năm, thậm chí có khách hàng thấp hơn…

Tuy nhiên, ông Phạm Quang Thắng lưu ý, trong hỗ trợ không nên cào bằng mà nên tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất thiết yếu cho nền kinh tế, doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn. Còn các doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang có lãi, hay các cá nhân vay tiền mua xe ô tô… thì không nên hỗ trợ lãi suất. Điều quan trọng nhất tại thời điểm này là làm sao duy trì được nguồn tín dụng, đặc biệt là các khách hàng đã được tái cơ cấu. Để giữ được doanh nghiệp, quan trọng nhất là “mạch máu lưu thông”, chứ không phải là “tăng cân hay giảm cân”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn