MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều bức tranh khác nhau trong việc tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: Gia Miêu

Nhiều ngân hàng vẫn đối mặt với tăng trưởng tín dụng âm

Gia Miêu LDO | 24/07/2020 18:35
Trong bức tranh gam màu sáng của ngành ngân hàng về tăng trưởng tín dụng sau sáu tháng đầu năm vẫn có không ít ngân hàng vẫn đang phải đối diện với mức tăng trưởng âm.

Trong khối ngân hàng thương mại cổ phần, đối mặt với tình hình tăng trưởng tín dụng giảm mạnh chính là Eximbank. Cho vay khách hàng của Eximbank thậm chí còn giảm 4% trong quý đầu năm nay và cũng được dự báo chưa thể có kết quả tốt hơn trong quý 2/2020 do chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ngoài ra, ngân hàng này cũng đang rơi vào trạng thái “khủng hoảng” khi cuộc chiến về những chiếc ghế trong Hội đồng quản trị (HĐQT) vẫn chưa kết thúc. Trong đó, việc kể từ tháng 4.2019 cho đến nay, ngân hàng Eximbank đã chưa có tổng giám đốc.  Theo Điều lệ Eximbank, tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật duy nhất. Việc khuyết vị trí rất quan trọng này khiến hoạt động ở Eximbank gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh chiếc ghế Chủ tịch HĐQT luôn có nhiều bất ổn.

Cùng với Eximbank, một số ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô nhỏ cũng đang gặp khó khăn với câu chuyện tăng trưởng tín dụng. Đơn cư như trường hợp của Ngân hàng Quốc Dân (NVB), theo báo cáo tài chính quý 2/2020, tính đến ngày 30.06.2020, tổng tài sản của NVB giảm 11% so với đầu năm, xuống còn hơn 71 nghìn tỉ đồng, chủ yếu do tiền, vàng gửi tại tổ chức tín dụng khác giảm 76% và cho vay các tổ chức tín dụng khác giảm 94% giảm mạnh. Còn cho vay khách hàng của NVB chỉ tăng nhẹ 3% so với đầu năm. Đến cuối tháng 6.2020, tổng tài sản của Saigonbank giảm gần 10% so với đầu năm, xuống còn 20,5 nghìn tỉ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng giảm 2,79%, đạt hơn 14 nghìn tỉ đồng. 

Trong số các ngân hàng quốc doanh, đáng chú ý nhất là Agribank. Theo báo cáo tài chính quý 2/2020 vừa được công bố thì tổng tài sản tính đến cuối tháng 6.2020 của ngân hàng đạt trên 1,46 triệu tỉ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,35 triệu tỉ đồng; tổng dư nợ và đầu tư đạt trên 1,33 triệu tỉ đồng, trong đó cho vay nền kinh tế đạt trên 1,135 triệu tỉ đồng. Vốn tín dụng Agribank chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ gần 2 triệu tỉ đồng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và chiếm trên 50% thị phần dư nợ lĩnh vực này của toàn ngành ngân hàng. Năm 2020, Agribank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt tối thiểu 12.200 tỉ đồng. Nhưng tính đến hết quý 2, tín dụng lại ghi nhận tăng trưởng âm với mức -1,3%. 

Hiện thanh khoản của ngân hàng đang khá dồi dào, thậm chí ngân hàng thừa tiền nhưng khó cho vay ra. Thứ nhất là  bởi do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay đầu tư, sản xuất, kinh doanh mới. Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận, tâm lý các ngân hàng e ngại nợ xấu nên việc giảm lợi nhuận nhưng an toàn hơn rủi ro nợ xấu. Đơn cử như cả bốn ngân hàng hàng đầu Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank  cho tới hết quý 2/2020 đều không xài hết chỉ tiêu tín dụng được phân bổ. Riêng VietinBank, sáu tháng đầu năm tín dụng ước tăng 0,4% so với đầu năm, mức thấp chưa từng có trong nhiều thập niên. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn