MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
xuất khẩu ngành hàng gỗ vẫn đang trên đà suy giảm. Ảnh: Hà Anh Chiến

Nhiều ngành xuất khẩu kim ngạch tỉ USD nỗ lực vượt khó

Cường Ngô LDO | 30/03/2023 07:56

Nhiều ngành xuất khẩu chủ lực đạt kim ngạch xuất khẩu chục tỉ USD gặp khó khăn khi lượng đơn hàng suy giảm trầm trọng. Nhiều giải pháp đã được doanh nghiệp nỗ lực áp dụng để tìm kiếm đơn hàng mới, giữ lực lượng lao động, đảm bảo thu nhập cơ bản cho công nhân… Song đây cũng là lúc doanh nghiệp cần các chính sách trợ lực bên cạnh việc tự thân xoay xở. 

Chịu "ép giá" để có đơn hàng, giữ chân người lao động

Những ngày này, các phân xưởng của Công ty cổ phần tập đoàn May Hồ Gươm vẫn sáng đèn. 

Để có được công ăn việc làm cho gần 3.000 người lao động của doanh nghiệp, ông Phí Ngọc Trịnh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn May Hồ Gươm tìm mọi cách để xoay sở. Không chỉ nỗ lực tìm kiếm đơn hàng mới, doanh nghiệp này còn chấp nhận bù giá để duy trì và tạo việc làm ổn định cho người lao động. 

Ông Trịnh cho biết, nếu như những năm 2021 và nửa đầu năm 2022, công ty được phép chọn lựa đơn hàng cho phù hợp với dây chuyền, tiêu chuẩn của công ty. Song từ cuối năm 2022 đến nay có đơn hàng nào nhận đơn hàng đó. Thậm chí nhiều đơn hàng bị đối tác "ép giá" hạ giá trị xuống một nửa công ty vẫn buộc phải ký để duy trì sản xuất.

Cũng theo ông Trịnh, hiện nay, đơn hàng công ty ký đến tháng 4.2023, song theo tính toán công ty không có lãi, nhưng đổi lại giữ ổn định sản xuất, giữ chân người lao động. 

"Thông thường bước vào quý 2 sẽ là cao điểm đơn hàng, trong khi đó ngành dệt may có đặc thù riêng dù lao động giản đơn nhưng để tuyển nguồn nhân lực có nghề không dễ. Vì vậy, chúng tôi chấp nhận bù giá để giữ vững sản xuất. Hy vọng thời gian tới tình hình sẽ khởi sắc, công ty sẽ có những đơn hàng lớn bù cho những tháng bị ép giá", ông Trịnh nói.
Nhiều ngành xuất khẩu tỉ USD đang tìm cách vượt khó. Ảnh: Cường Ngô

Ngành thủy sản cũng gặp khó

Không chỉ dệt may giảm đơn hàng, hai ngành hàng xuất khẩu có kim ngạch chục tỉ USD khác là gỗ và thuỷ sản cũng đang tìm cách vượt khó. 

Với thuỷ sản, theo số liệu thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), top 5 thị trường xuất khẩu thủy sản chính, chiếm 58,18% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành trong 2 tháng năm 2023 đều sụt giảm mạnh, gồm Nhật Bản đạt 187 triệu USD, giảm 11%; Mỹ đạt 155 triệu USD, giảm 55%; Trung Quốc đạt 151 triệu USD, giảm 11%; Hàn Quốc 104 triệu USD, giảm 14%; Thái Lan đạt 44 triệu USD, giảm 15%.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nêu ra lý do khiến xuất khẩu thủy sản "buồn bã" quý đầu năm. Đó là câu chuyện về thức ăn nuôi thủy sản. Hiện nay, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản tăng cao kỷ lục và không ổn định, dẫn đến giá thành sản xuất thức ăn thủy sản và sản phẩm thủy sản đều cao.

Ngành nuôi trồng thủy sản đang loay hoay với bài toán giá thành và năng lực cạnh tranh. Cụ thể như, giá nguyên liệu tôm của Việt Nam đang cao hơn 20-30% so với giá tôm cùng loại của Ấn độ và Ecuador. Trong đó, chi phí cho thức ăn chăn nuôi là một chi phí đầu vào có tính chi phối đối với giá thành sản phẩm thủy sản nuôi.

Thực tế hiện nay, khô đậu tương là mặt hàng nguyên liệu chính, chiếm 80-90% giá thành thức ăn nuôi thủy sản và thức ăn chăn nuôi.

Do vậy, ngày 15.3.2023, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đã gửi công văn số 24 tới Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu khô đậu tương từ mức 2% về mức 0%.

Điều này giúp các doanh nghiệp trong ngành mạnh dạn đầu tư sản xuất, tiếp tục củng cố vị thế của Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản lớn trên thế giới, đồng thời góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Với ngành gỗ, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ tháng 2.2023 ước đạt 800 triệu USD, giảm 0,7% so với tháng 1.2023 và giảm 10,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu của nhóm hàng này đạt 1,61 tỉ USD, giảm 34,8% so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả này, xuất khẩu ngành hàng gỗ vẫn đang trên đà suy giảm, thậm chí tốc độ giảm còn đáng lo ngại hơn cả năm ngoái.

Ông Nguyễn Sỹ Hòe - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phú Tài - một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ - nhận định, 6 tháng đầu năm 2022, đa số các doanh nghiệp ngành gỗ đều xuất khẩu rất tốt. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm xuất khẩu giảm mạnh, nhất là một số các mặt hàng đồ gỗ ngoài trời. Tình hình này đã kéo dài đến đầu năm 2023.

Theo ông, sự sụt giảm xuất khẩu sang thị trường Mỹ là do vấn đề khủng hoảng kinh tế chung. Dự kiến phải cuối năm 2023, bức tranh xuất khẩu ngành gỗ sẽ tươi sáng hơn. Ông cho rằng, ngành xuất khẩu gỗ vẫn là một thị trường rất tiềm năng. Nếu qua được giai đoạn khó khăn này, thị trường đối với đồ gỗ nội thất tại Mỹ và châu Âu sẽ rất mở.

Giải pháp nào để giữ phong độ xuất khẩu

Đề xuất về giải pháp giữ vững phong độ xuất khẩu, bà Lê Hoàng Anh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) - cho rằng, trước hết phải đảm bảo yêu cầu chất lượng của hàng hoá xuất khẩu với phương châm "xuất khẩu xanh" và xuất khẩu theo nhu cầu thị trường. 

Song song đó, cần đảm bảo hàng hóa xuất khẩu được thông suốt với thủ tục xuất khẩu thông thoáng, logistics thuận lợi, nắm vững, cập nhật kịp thời chính sách nhập khẩu của đối tác.

Mặt khác, yếu tố đầu vào cho xuất khẩu cũng cần được chú trọng. Nguyên liệu đầu vào cho sản xuất cần đa dạng ở các thị trường, tránh phụ thuộc vào một hay một số thị trường nhất định.

"Chúng tôi đang tập trung nghiên cứu đối thủ cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường châu Âu xem họ thay đổi như thế nào để ứng phó với chính sách áp thuế carbon đối với hàng nhập khẩu vào EU áp dụng từ tháng 10.2023. Trên cơ sở đó, sẽ báo cáo Chính phủ và thông tin cho doanh nghiệp Việt Nam", bà Lê hoàng Oanh cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn