MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một vườn chanh dây tại huyện Ia Grai. Ảnh: Thanh Tuấn

Nhiều nguyên nhân khiến chanh dây rớt giá, nông dân thua lỗ

THANH TUẤN LDO | 10/09/2023 12:14

Hiện nay giá thu mua chanh dây đang xuống thấp khiến người nông dân Gia Lai thua lỗ. Trước đó, diễn ra tình trạng người dân ồ ạt phá bỏ vườn cà phê để chuyển sang trồng chanh dây.

Tại các huyện có diện tích chanh dây lớn như: Mang Yang, Chư Păh, Ia Grai, Đak Đoa… thương lái đến thu mua với giá chỉ từ 4.000 - 5.000 đồng/kg đối với chanh dây loại 2, loại 3.

Trước đó vài tháng, chanh dây được thu mua với giá khoảng 14.000 đồng/kg loại chanh bình thường và 35.000 đồng/kg chanh chọn để xuất khẩu.

Chanh dây rớt giá khiến nhiều nông dân thua lỗ nặng. Thậm chí, nhiều hộ còn tính đến chuyện phá bỏ vườn chanh để chuyển sang trồng các loại cây khác.

Chanh dây rớt giá khiến người nông dân như ngồi trên đống lửa. Ảnh: Thanh Tuấn

Theo ông Lưu Trung Nghĩa - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, hiện chanh dây quả tươi đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, giá vẫn ở mức 22.000 - 25.000 đồng/kg. Nhưng giá chanh xô hiện nay thì xuống thấp.

Nguyên nhân là giống chanh dây được trồng trên địa bàn có tỉ lệ mẫu mã quả đẹp rất ít, chất lượng loại 2, loại 3 thì nhiều. Điều này đã kéo giảm thu nhập của người dân.

Theo ông Trần Xuân Khải - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, hiện chanh dây Việt Nam xuất khẩu sang các nước như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... nhưng chủ yếu vẫn là Trung Quốc.

Thời điểm này, các tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc đang vào mùa thu hoạch chính vụ chanh dây. Ngoài ra, thời gian qua, nhiều địa phương ở Trung Quốc bị bão lũ, thu nhập của người dân giảm nên sức mua giảm theo, dẫn đến chanh dây rớt giá.

Sự tăng trưởng diện tích quá nhanh có thể dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, dẫn đến giá giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người trồng. Theo thống kê, toàn tỉnh Gia Lai hiện có 4.500ha trồng chanh dây. Quy hoạch đến năm 2025 diện tích tăng lên khoảng 25.000ha.

Năm 2022, huyện Mang Yang có 382ha chanh dây, đến tháng 3.2023 tăng gần 500ha. Năm 2016, huyện Chư Păh có vài chục ha chanh dây thì hiện tăng lên trên 500ha.

Trước sự việc ồ ạt trồng chanh dây, UBND tỉnh Gia Lai đã ra khuyến cáo các địa phương, cần nghiên cứu, khảo sát, đánh giá diện tích chuyển đổi cây trồng từ cà phê sang chanh dây, tránh chuyển đổi ồ ạt, đặc biệt với các vùng điều kiện khí hậu, nguồn đất, nguồn nước chưa đảm bảo.

Chỉ khoảng 5 tháng sau khuyến cáo, giá chanh dây đồng loạt rớt thê thảm khiến người nông dân đầu tư mùa vụ gánh chịu thua lỗ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn