MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều ngân hàng trung ương các nước đang ồ ạt tích trữ vàng. Ảnh minh hoạ: XINHUA

Nhiều nước đang ồ ạt trữ vàng

XUYÊN ĐÔNG (dịch TH) LDO | 10/04/2023 11:00

Nhu cầu về vàng của các nước đang có xu hướng tăng khi các ngân hàng trung ương đang có xu hướng mua thêm để dự trữ.

Theo dữ liệu mới nhất do Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) công bố, thị trường vàng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các ngân hàng trung ương khi nhiều quốc gia tiếp tục bổ sung vàng vào kho dự trữ. Đây là khởi đầu mạnh mẽ nhất trong 1 năm trong hơn thập kỷ.

Dự trữ vàng toàn cầu đã thêm 52 tấn - mức tăng tháng thứ 11 liên tiếp. Trong tháng 1.2023, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua 74 tấn vàng.

Ngoài Trung Quốc, nhiều nước khác cũng đang mua vàng để dự trữ. Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã mua vàng trong tháng thứ 15 liên tiếp, bổ sung 22 tấn vào kho dự trữ. Nước này cũng là quốc gia mua vàng lớn nhất trong năm ngoái. Singapore mua 7 tấn và Ấn Độ mua thêm 3 tấn.

Ngân hàng Trung ương Uzbekistan đã mua thêm 8 tấn. Vàng hiện chiếm 2/3 dự trữ của Uzbekistan, chỉ vài tháng sau khi nước này lên kế hoạch giảm lượng vàng dự trữ xuống một nửa. Kazakhstan cũng đang tăng gấp đôi lượng dự trữ.

Dự trữ vàng của Nga đã tăng 1 triệu ounce trong năm ngoái lên 74,9 triệu ounce tính đến ngày 1.3, theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương Nga hôm 22.3.

Ngân hàng Trung ương Nga đã ngừng tiết lộ lượng vàng dự trữ quốc tế sau lệnh trừng phạt của phương Tây. Lần cuối cùng, cơ quan này thông báo là vào tháng 2.2022, cho biết tổng lượng vàng dự trữ khi đó là 73,9 triệu ounce.

Theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương Nga, dự trữ vàng của Nga trị giá 135,6 tỉ USD tính đến tháng 3.2023. Tổng lượng dự trữ ngoại hối và vàng của Nga giảm xuống còn 574 tỉ USD từ 617 tỉ USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngân hàng Trung ương Mông Cổ mới đây vừa công bố đã mua 2,2 tấn vàng từ các pháp nhân và cá nhân trong quý I/2023. Giá mua trung bình của ngân hàng này là 216.200 tugrik Mông Cổ (61,5 USD Mỹ) mỗi gram tính đến tháng 3. Theo cơ quan này, mua vàng là một trong những cách quan trọng để đảm bảo sự ổn định kinh tế của đất nước bằng cách liên tục tăng dự trữ ngoại tệ.

Theo nhiều nhà phân tích, việc nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới tích trữ vàng đang thay đổi hoàn toàn cục diện, tạo ra giá trị vững chắc cho các nhà đầu tư.

Bob Minter - Giám đốc Chiến lược đầu tư ETF tại Abrdn - cho biết: Trong môi trường hiện tại, với sự hỗ trợ vững chắc trên thị trường, việc giá vàng đạt mức cao kỷ lục mới chỉ còn là vấn đề thời gian. Với rất nhiều khả năng còn bỏ ngỏ đang gia tăng trên thị trường tài chính, việc nắm giữ vàng sẽ là một chính sách bảo hiểm tốt.

Paul Wong, chiến lược gia thị trường tại Sprott, nói rằng xu hướng phi USD hóa sẽ không sớm biến mất và đang cung cấp hỗ trợ dài hạn cho vàng. Các quốc gia phải có chiến lược khi đa dạng hóa các khoản nắm giữ của mình cũng như không thể bán hết số USD đang nắm giữ.

“Khi căng thẳng gia tăng, vượt qua phạm vi chính trị và nhà đầu tư muốn thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng USD, thì lựa chọn duy nhất là mua vàng” - Wong nói.

James Steel, nhà phân tích kim loại quý tại HSBC, nhận định: “Sự đa dạng hóa danh mục đầu tư là lý do chính, khiến các ngân hàng trung ương mua vàng bằng đồng USD. Lý do chính để chọn vàng là các ngân hàng trung ương bị hạn chế về tài sản mà họ có thể nắm giữ”.

Krishan Gopaul, nhà phân tích cấp cao tại WGC, cho biết, việc mua “khổng lồ” của các ngân hàng trung ương là một “điều tích cực rất lớn đối với thị trường vàng”.

“Kể từ năm 2010, các ngân hàng trung ương đã mua ròng vàng sau hai thập kỷ bán ròng. Những gì chúng ta đã thấy gần đây là các ngân hàng trung ương đã tăng cường dự trữ lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Việc thiếu “rủi ro đối tác” là điểm thu hút chính của vàng đối với các ngân hàng trung ương, so với các loại tiền tệ dưới sự kiểm soát của chính phủ nước ngoài" - ông nói.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn