MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dòng tiền đang chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu đầu cơ. Ảnh: Gia Miêu

Nhiều rủi ro cho nhà đầu tư từ nhóm cổ phiếu đầu cơ

Gia Miêu LDO | 18/11/2021 16:45

Một số công ty có đà tăng cổ phiếu khó hiểu, đi ngược lại với tình hình kinh doanh lỗ đậm liên tiếp của doanh nghiệp, thách thức mọi phân tích cơ bản của chứng khoán.

Điển hình là cổ phiếu CEO của Công ty cổ phần Tập đoàn C.E.O đã liên tục có những phiên "tím" liên tiếp trong 1 tuần trở lại đây đưa thị giá tăng chóng mặt từ mức 19.900 đồng/cổ phiếu lên mức giá 28.800 vào cuối phiên giao dịch ngày 18.11. Nếu nhìn vào mức tăng giá này, nhà đầu tư cứ nghĩ rằng công ty đang có hoạt động kinh doanh tốt, thế nhưng, trái ngược lại, công ty đã có 3 quý lỗ liên tiếp.

Theo báo cáo tài chính mới công bố, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu CEO đạt 406 tỉ đồng, giảm 40,5%. Khấu trừ chi phí, lỗ sau thuế của Tập đoàn CEO là 224 tỉ đồng sau 9 tháng, tăng gấp đôi con số lỗ cùng kỳ năm ngoái. Liên tục thua lỗ, dòng tiền kinh doanh của CEO đã âm gần 144 tỉ đồng.

Cổ phiếu của doanh nghiệp ngành hạ tầng TP.HCM, Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã CII) cũng tăng cao nhất trong vòng 3 năm qua, trong khi kết quả kinh doanh sụt giảm cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Chuỗi tăng giá bất đầu từ giữa tháng 10 và cho đến nay đã đưa cổ phiếu CII lên vùng giá 31.100 đồng/cổ phiếu, cao nhất trong vòng 3 năm qua.

Mặc dù không bị lỗ, nhưng CII có kết quả kinh doanh sụt giảm cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Cụ thể, theo báo cáo tài chính lũy kế 9 tháng đầu năm, CII ghi nhận doanh thu đạt 2.223 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 126 tỉ đồng, lần lượt giảm 24,6% và 72,7% so với cùng kỳ. Năm 2021, CII đặt kế hoạch doanh thu là 6.700 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 615 tỉ đồng.

Như vậy, sau 9 tháng đầu năm, với lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 34,08 tỉ đồng, công ty mới hoàn thành 5,5% kế hoạch lợi nhuận năm. Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm 2021, dòng tiền kinh doanh chính tiếp tục âm hơn 1.083 tỉ đồng so với cùng kỳ âm 1.484 tỉ đồng. Trong 9 tháng đầu năm, công ty tiếp tục tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh chính liên tục âm kéo dài.

Rất nhiều cổ phiếu khác cũng có mức tăng mạnh, dù kết quả kinh doanh không có đột phá, thậm chí thua lỗ như HNG, HAG, DLG, CIG, ITA,… Thậm chí, cổ phiếu VMD có Chủ tịch Hội đồng quản trị vừa bị bắt cũng bật tăng trần.

Lý giải cho hiện tượng doanh nghiệp càng lỗ thì cổ phiếu lại càng tăng, nhiều chuyên gia phân tích chứng khoán cho rằng, hiện nay dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán đang rất lớn, nhưng có đến 90% là đến từ các nhà đầu tư cá nhân mới, nhỏ lẻ. Khi tham gia vào thị trường, họ thường không để ý đến báo cáo tài chính, cũng như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, mà chủ yếu là nhóm các cổ phiếu đầu cơ.

Theo TS Nguyễn Duy Phương, giám đốc quỹ đầu tư DG Investment thì các nhà đầu tư này chỉ chạy theo đầu cơ và lướt sóng. Họ mua theo các thông tin “phím hàng” và xuống tiền bất chấp không quan tâm đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Xét trên tình hình thực tế hiện nay, điểm mua ở nhóm cổ phiếu đầu cơ này đã đi qua và định giá được đẩy lên quá cao, mà bản chất sóng đầu cơ nóng thì bao giờ cũng nhanh chóng kết thúc, không bền vững.

Từ đó để thấy rằng, rủi ro đã hình thành với hai vấn đề lớn. Một là giá cổ phiếu đã tăng rất nóng. Hai là yếu tố margin, đòn bẩy trên thị trường lớn, chỉ cần một cú lắc lư, sẽ khiến cổ phiếu đầu cơ thoái trào, dẫn tới câu chuyện tháo chạy khỏi thị trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn