MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vướng mắc trong GPMB tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể - Na Hang (Tuyên Quang) được coi là nguyên nhân lớn khiến tiến độ giải ngân chậm trễ. Ảnh: Tân Văn.

Nhiều sở ngành ở Bắc Kạn giải ngân vốn đầu tư công rất thấp

Tân Văn LDO | 24/11/2023 20:16

Sắp hết tháng 11.2023, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Bắc Kạn vẫn thấp hơn nhiều so với trung bình của cả nước.

Năm 2023, tỉnh Bắc Kạn được giao hơn 3.900 tỉ đồng (bao gồm cả vốn kéo dài từ 2022), tính đến ngày 18.11, địa phương giải ngân được khoảng 1.694 tỉ đồng, đạt 43,4% kế hoạch. Kết quả này thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (51,4%).

Theo báo cáo từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, một số chủ đầu tư giải ngân rất chậm. Trong đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đạt 16%, Sở Y tế đạt 6,5%, Sở Xây dựng đạt 2,2%, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Kạn đạt 2%, Trung tâm Công nghệ Thông tin truyền thông đạt 0% (vốn năm 2023), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giải ngân 0%. Đối với cấp huyện có một số địa phương giải ngân chậm như Pác Nặm 37%, Chợ Đồn 57%, Chợ Mới 66%.

Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Kạn, nguyên nhân của việc giải ngân vốn đầu tư công chậm được cho là do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; giá nhiên liệu tăng, ảnh hưởng đến công tác đầu tư xây dựng.

Một số dự án phải thực hiện điều chỉnh về quy mô, trình tự xin phê duyệt khá lâu nên ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Có thể kể đến những dự án như: Xây dựng sân vận động tỉnh và các hạng mục phụ trợ; xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ bản các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; xây dựng đường giao thông nội thị thị trấn Vân Tùng, huyện Ngân Sơn...

Đã sắp hết năm 2023, nhưng tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Bắc Kạn vẫn chưa đầy 50%. Ảnh: Tân Văn.

Nhằm bảo đảm hoàn thành kế hoạch năm, UBND tỉnh và các sở, ngành đã thành lập Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của từng đơn vị chủ đầu tư, nhất là vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, nghiệm thu, lập hồ sơ thanh quyết toán.

UBND các huyện, thành phố cũng được quán triệt phải nâng cao trách nhiệm, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ GPMB các công trình, dự án trên địa bàn; có biện pháp giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong GPMB; kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với các trường hợp cố tình trây ì, không hợp tác trong quá trình giải phóng mặt bằng theo quy định...

Trao đổi với PV, ông Hứa Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Kạn - cho biết: "Đối với các dự án đầu tư nhóm B, đến nay đã cơ bản hoàn thành việc giải phóng mặt bằng (GPMB), xong sẽ đẩy nhanh công tác thi công để đảm bảo tiến độ giải ngân".

Cũng theo ông Bình, dự án liên vùng, đi qua 2 tỉnh như tuyến thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối huyện Na Hang (Tuyên Quang) đang bị vướng mắc rất lớn trong chuyện GPMB.

Theo kế hoạch, năm 2023, dự án thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể - huyện Na Hang (Tuyên Quang) sẽ giải ngân khoảng 1.000 tỉ đồng (chiếm gần 1/3 tổng vốn đầu tư xây dựng của tỉnh Bắc Kạn trong năm 2023), tuy nhiên đến nay việc này đang gặp khó.

Nguyên nhân là gần 8 km đi qua tỉnh Tuyên Quang chưa thể giải phóng mặt bằng. Chủ đầu tư dự án là tỉnh Bắc Kạn nhưng các quy định hiện hành không cho phép dùng ngân sách của tỉnh Bắc Kạn để chi cho việc giải phóng mặt bằng tại tỉnh Tuyên Quang.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn